Trồng bưởi kết hợp nuôi ong lấy mật: Hướng mới ở Đại Minh
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/2/2017 | 8:11:20 AM
YBĐT - Năm 2015, huyện Yên Bình chỉ đạo đưa Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh kết hợp nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững" triển khai thực hiện tại xã Đại Minh. Đây là địa phương có lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với cây bưởi đặc sản và cũng là nơi có diện tích cây bưởi nhiều nhất huyện với trên 100 ha.
Ông Trần Văn Vinh ở thôn Đại Thân 2 trao đổi kỹ thuật trồng bưởi kết hợp nuôi ong với một số hộ dân trong xã.
|
Với gần 200 gốc bưởi, trong đó có 80 gốc đang cho thu hoạch thế nhưng chỉ từ năm 2015 đến nay, gia đình ông Cao Văn Độ ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình mới thực sự thu được lợi nhuận kinh tế cao. Đây là thời điểm gia đình ông tham gia mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh kết hợp nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình triển khai thực hiện.
Nhờ có sẵn kinh nghiệm trồng bưởi lâu năm, cộng với nắm vững và áp dụng hiệu quả kiến thức khoa học kỹ thuật nuôi ong do cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình hướng dẫn nên sau 2 năm triển khai thực hiện mô hình, vườn bưởi của gia đình ông Độ cho thu nhập cao hơn hẳn.
Cũng vườn bưởi này những năm trước, ông chỉ thu được từ 70 - 80 triệu đồng thì năm 2016, ông thu tới 140 triệu đồng. Trong đó, thu từ bưởi 130 triệu đồng, 10 triệu đồng thu từ tiền bán mật ong. Ông Độ cho biết: “Cái được lớn nhất mà người trồng bưởi ở địa phương có được khi tham gia thực hiện mô hình này đó là những kiến thức hữu ích trong việc sử dụng phân bón cân đối, hợp lý có hiệu quả làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế rửa trôi, xói mòn đất. Nuôi ong mật trong vườn bưởi không chỉ tăng thêm nguồn thu mà còn tăng khả năng thụ phấn cho cây, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần cải thiện môi trường sinh thái và làm đẹp cảnh quan”.
Năm 2015, huyện Yên Bình chỉ đạo đưa Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh kết hợp nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững" triển khai thực hiện tại xã Đại Minh. Đây là địa phương có lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với cây bưởi đặc sản và cũng là nơi có diện tích cây bưởi nhiều nhất huyện Yên Bình với trên 100 ha.
Để Dự án thực hiện có hiệu quả, sau khi tiến hành khảo sát thực tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã lựa chọn 15 hộ ở 6 thôn là: Đồng Danh, Cầu Mơ, Minh Thân, Đại Thân 2, Khả Lĩnh và Quyết Tiến 11 tham gia mô hình. Đây là những hộ có đủ các điều kiện như: ở liền kề nhau thành khu tập trung, giao thông đi lại thuận tiện, có diện tích vườn bưởi từ 1.000 m2 trở lên và độ tuổi mỗi cây bưởi phải đạt ít nhất là 25 năm, có kinh nghiệm trồng cây ăn quả.
Ngoài việc được tập huấn khoa học kỹ thuật, các hộ còn được hỗ trợ vôi, phân bón và 5 đàn ong giống nội để phát triển mô hình. Để giúp bà con thâm canh bưởi và nuôi ong đúng quy trình kỹ thuật, hàng tháng, Ban Quản lý Dự án tăng cường cán bộ xuống cơ sở đồng hành cùng các hộ thực hiện đúng quy trình, từ việc quan sát tình hình sinh trưởng, phát triển của cây, bón phân theo định kỳ, đúng số lượng và chủng loại..., đến việc phòng trừ sâu, bệnh kịp thời.
Hiệu quả kinh tế từ áp dụng mô hình được khẳng định rõ nét. Không chỉ có gia đình ông Cao Văn Độ mà nhiều mô hình của các nông hộ, điển hình như mô hình trồng 150 gốc bưởi kết hợp với nuôi 15 đàn ong mật của gia đình ông Phạm Văn Kim ở thôn Đồng Danh, sau hơn một năm triển khai thực hiện đang cho nguồn thu nhập ổn định và cao hơn hẳn.
Thực tế, mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh kết hợp nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững” đang được thực hiện khá thành công, mở hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người trồng bưởi. Mô hình đã giúp tăng năng suất bưởi khoảng 15%, hạn chế sâu, bệnh hại và cho mẫu mã quả đẹp, giá bán cao hơn hẳn so với các vườn bưởi không tham gia.
Dự án bước đầu đã tạo ra phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh kết hợp nuôi ong mật của người dân, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương; thu hút vốn đầu tư của nhân dân và nhân công nông nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông nghiệp ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Từ hiệu quả thực tế của mô hình đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong thâm canh bưởi nói riêng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Thành công bước đầu của dự án mở ra triển vọng mới đối với nghề trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong mật. Đây cũng là tiền đề để Đại Minh nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Năm 2016 là một năm bất lợi và khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh Yên Bái. Tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, bị tác động, chi phối bởi suy giảm kinh tế, thương mại thế giới và khu vực; rét đậm, rét hại, băng giá, thiên tai, bão lũ liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
YBĐT - Năm 2016 qua bình xét, toàn huyện đã có 283 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.
YBĐT - Trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá bán cà chua trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Thời điểm hiện nay, cà chua đã vào mùa chín rộ nhưng giá cao nhất chỉ 3.000đ/kg.
YBĐT - Sau tết Nguyên đán, nông dân huyện Trấn Yên đang tập trung tái đàn và phát triển chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, do giá cả trước tết giảm mạnh nên nông dân thận trọng hơn trong việc tái đàn. Có gia đình bị lỗ khoảng 500.000 - 600.000 đồng/con nên ra tết rất thận trọng, chỉ tái đàn khoảng 60% so với thời điểm trước tết.