Lấy phòng ngừa là chính
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/2/2017 | 8:16:35 AM
YBĐT - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2017, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có thể bị ảnh hưởng từ 6 đến 7 cơn bão, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và sẽ xuất hiện sớm hơn so với quy luật.
Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang diễn ra phức tạp, gây nên thời tiết cực đoan, rất khó dự báo. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2017, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có thể bị ảnh hưởng từ 6 đến 7 cơn bão, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và sẽ xuất hiện sớm hơn so với quy luật; một số khu vực có khả năng xảy ra mưa, lũ lớn, đặc biệt đầu mùa có thể xuất hiện nhiều giông lốc...
Do vậy, ngay từ bây giờ, sự chuẩn bị tốt để sẵn sàng đối phó với thiên tai là một đòi hỏi cấp bách đối với các cấp, các ngành và mỗi người dân. Với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai mưa lũ gây ra, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu này cần phải thực hiện tốt việc xây dựng phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) ngay từ cơ sở và hoàn thành trước tháng 4/2017 với phương châm “4 tại chỗ” và “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả”; trong đó, lấy phòng ngừa là chính.
Các địa phương khẩn trương rà soát, xác định các vùng nguy hiểm khi xảy ra mưa bão trên địa bàn, chủ động thực hiện các phương án di dời, sơ tán dân khi cần thiết; rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, chủ động sửa chữa, khắc phục các sự cố trước mùa mưa bão.
Đối với các hồ chứa lớn như: Thác Bà, Từ Hiếu, Đầm Hậu… cần bảo vệ nghiêm ngặt, tu bổ bảo dưỡng máy móc, huấn luyện lực lượng vận hành ở tư thế sẵn sàng tham gia chống lũ. Đồng thời, cần có phương án xử lý sự cố để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân ở vùng thượng, hạ du. Các đơn vị cần có kế hoạch quản lý, củng cố và hộ đê đối với 10 tuyến đê bao và các tuyến kè sông suối.
Để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất các địa phương phải tổ chức giải phóng ngay các công trình kiến trúc và các vật cản như tre, gỗ… ở tất cả các khe suối.
Đặc biệt chú ý các suối ở thành phố Yên Bái, Ngòi Thia, Ngòi Nhì ở Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ; trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn; xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất chi tiết để phục vụ cho ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp thuận tiện trong công tác chỉ huy, chỉ đạo và tham mưu; tổ chức tốt công tác cứu trợ, có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết tại chỗ; chú trọng hệ thống thông tin liên lạc cho các vùng thường xảy ra lũ quét.
Đối với công tác bảo vệ hậu phương cần có kế hoạch phòng, chống và di dân ở những vùng thường xuyên bị ngập lụt như: thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và vùng lòng hồ Thác Bà; vận động nhân dân mua sắm thuyền, bè, mảng… phục vụ di chuyển nhanh, an toàn khi có mưa bão xảy ra; mỗi gia đình ít nhất phải chuẩn bị 5 ngày lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng tại chỗ; cần có kế hoạch bảo vệ sức khỏe con người, gia súc, gia cầm, cây giống… để kịp thời sản xuất sau lũ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, bổ sung ngay phương án PCTT - TKCN trên địa bàn, đặc biệt là phương án ở cấp xã, phường phải cụ thể, sát thực tế ở cơ sở để chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra; tổ chức tốt công tác diễn tập phòng chống, ứng phó thiên tai, bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn cấp xã năm 2017; kiểm tra để chủ động có phương án phòng tránh đối với các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt.
Song song với đó, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo thời tiết, các chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh về công tác phòng chống thiên tai. Mặt khác, phối hợp với các cơ quan chuyên môn áp dụng các biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để người dân nắm được thông tin về thiên tai, những kiến thức cơ bản về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai để từ đó chủ động phòng ngừa.
Thiên tai thường bất ngờ và phức tạp nhưng với sự tích cực, chủ động, cảnh giác của các cấp, ngành, chính quyền và người dân sẽ là yếu tố quan trọng để giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Có điện, 89 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Dao), thôn Nà Hỏa, xã Tô Mậu đón tết Nguyên đán Đinh Dậu to hơn, đầy đủ hơn với nhiều tiện nghi như: ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện…
YBĐT - Xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) có 162 ha cây ăn quả có múi, trong đó trên 58 ha đang cho thu hoạch. Hộ trồng nhiều trên 1.000 gốc, hộ ít khoảng 50 gốc.
YBĐT - Việc xây dựng các chòi trực an toàn, đảm bảo từ mô hình “Người dân và chính quyền tự quản, chủ động bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa hanh khô” ở những khu vực trọng điểm cháy rừng của các xã, bố trí người dân trực canh gác 24/24h vào thời gian cao điểm khô hanh từ tháng 2 đến hết tháng 5 cũng như các thời điểm khác trong năm là cách tốt nhất để huy động sự vào cuộc trách nhiệm của mọi người dân, góp phần chung sức giữ màu xanh cho rừng.
YBĐT - Thời tiết giao mùa cộng với việc tái đàn mỗi dịp đầu năm của người dân cũng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.