Mù Cang Chải quyết tâm ngăn “giặc lửa”
- Cập nhật: Thứ năm, 16/3/2017 | 1:55:14 PM
YBĐT - Nhiều năm nay, đã trở thành quy luật vào mùa khô hanh, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải thường xuyên xảy ra cháy rừng ở một số xã như: Nậm Có, Cao Phạ, Lao Chải, Chế Tạo, Nậm Khắt...
Cán bộ kiểm lâm huyện Mù Cang Chải kiểm tra chòi canh trên đỉnh Séo Mả Pán A.
|
Niên vụ 2015 - 2016, trên địa bàn huyện đã xảy ra 5 vụ cháy rừng làm thiệt hại trên 135 ha rừng. Với quyết tâm chặn lửa rừng ngay từ đầu mùa khô hanh năm 2016 - 2017, huyện Mù Cang Chải đã chủ động nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ rừng.
Cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải và lãnh đạo xã Khao Mang, chúng tôi lên đỉnh Séo Mả Pán A ở độ cao 1.800 m so với mực nước biển, thuộc khu vực Nả Tà để mục sở thị chiếc chòi canh mà theo Phó Chủ tịch UBND xã Khao Mang - Giàng A Dình thì đây là mô hình mới được làm nên từ sự đồng lòng, chung sức của chính mỗi người dân với tên gọi “Người dân và chính quyền tự quản, chủ động bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa hanh khô”.
Tự nguyện trích một phần thù lao giữ rừng (kinh phí dịch vụ môi trường rừng), người dân đã cùng góp công, góp của để dựng chòi trực cháy chắc chắn và phân công người trực 24/24 giờ để bảo vệ rừng. Điều này, chưa từng có trong tiền lệ đã được chính quyền xã Khao Mang vận động các gia đình thực hiện để góp phần giữ cho những cánh rừng được bình yên trong mùa hanh khô.
Với tổng diện tích rừng trên 3.660 ha, việc bảo vệ rừng luôn được chính quyền địa phương xã Khao Mang đặc biệt quan tâm. Nếu như những chiếc chòi canh lửa trước đây chỉ được dựng tạm bằng lán bạt thì tháng 11/2016, bà con ở 10 bản của xã Khao Mang đã hoàn thành xây dựng 9 chòi canh vững chãi bằng gỗ, mái lợp proximăng ở những khu vực nằm trong điểm “nóng”.
Kinh phí nguyên vật liệu để làm nên những chiếc chòi ấy thì khoảng trên 20 triệu đồng, nhưng công sức của bà con trong các bản để làm nên những chiếc chòi chắc chắn ở độ cao mà chỉ đi bộ đã rất mệt thì thật không thể tính nổi.
Để tiện cho người trực, mỗi chòi được cấp một quyển sổ trực theo dõi và một chiếc điện thoại di động để hàng ngày theo dõi, bảo vệ rừng. Những chiếc chòi canh được chọn làm trên những khu vực cao để người trực canh giữ dễ dàng quan sát, phát hiện sớm, hòng ngăn chặn kịp thời những cơn lửa rừng có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Đang trong ca trực trên đỉnh Séo Mả Pán A, ông Giàng A Páo cho biết: “Trước đây, chúng tôi trực ở những chiếc chòi tạm nên cũng không yên tâm khi mưa to, gió lớn. Giờ đã có những chiếc chòi chắc chắn, các gia đình trong bản thay nhau trực một ngày, một đêm trên chòi để kiểm tra tất cả những người ra, vào rừng và quan sát tứ bề xem khu vực rừng có động tĩnh gì không. Nếu chỗ nào có dấu hiệu xảy ra cháy rừng thì chúng tôi sẽ báo cáo xã để kịp thời có cách xử lý”.
Là địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ khí hậu khắc nghiệt, cường độ nóng cao về mùa khô hanh kèm theo gió lào, nên công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng thông qua mô hình “Người dân và chính quyền tự quản, chủ động bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa hanh khô” trên địa bàn huyện được đặc biệt quan tâm.
Nói về mô hình mới này, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải Dương Anh Tuấn cho rằng: “Mô hình này huy động sự tham gia trực tiếp của bà con, nên bà con có nhiều hơn sự chủ động và thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trước việc bảo vệ tài nguyên rừng. Cùng với đó, để những cánh rừng xanh bình yên, ngay trước mùa khô, chúng tôi đã phối hợp với 14 xã, thị trấn xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), huy động cán bộ bám nắm cơ sở, địa bàn để tuần tra, tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, gắn với PCCCR; những quy định về đốt nương làm rẫy, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR với người dân. Ngoài ra, Hạt bố trí đủ kiểm lâm viên ở địa bàn xung yếu có nguy cơ cháy rừng cao, thường trực 24/24 giờ trong ngày; tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm PCCCR theo quy định của pháp luật”.
Hiện tại là thời gian cao điểm của mùa khô hanh, chính quyền cũng như người dân huyện Mù Cang Chải đang nỗ lực hết sức để bảo vệ rừng. Đây là tín hiệu đáng mừng khi mà người dân vùng cao đã hiểu được tầm quan trọng và vai trò của rừng đối với cuộc sống, để từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm và ý thức, cùng chung sức giữ cho những cánh rừng mãi xanh tươi.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 1, xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) vừa được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm rau sạch ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ thành viên.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính nhà nước. Theo đó, việc công khai báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: Phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
YBĐT - Song, xác định chăn nuôi là hướng đi bền vững, sau “cơn bão” rớt giá, nhiều hộ chăn nuôi tại thành phố Yên Bái lại tiếp tục tái đàn để tiếp tục duy trì quy mô, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu bền vững.