Trấn Yên tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa
- Cập nhật: Thứ năm, 30/3/2017 | 8:02:01 AM
YBĐT - Vụ đông xuân 2016 - 2017, huyện Trấn Yên gieo cấy trên 2.460 ha lúa, cơ cấu giống gồm: 55% diện tích là lúa lai, 35% là lúa thuần chất lượng cao, còn lại là giống lúa thuần khác và phấn đấu năng suất bình quân đạt 51,8 tạ/ha.
Cán bộ nông lâm xã Báo Đáp hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân.
|
Hiện tại, lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết vụ xuân ấm, xen kẽ các đợt không khí lạnh, trời âm u, nhiều sương đã làm phát sinh sâu bệnh hại lúa trên một số diện tích. Để bảo vệ tốt lúa vụ xuân, huyện Trấn Yên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tích cực đôn đốc các địa phương làm tốt việc chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh.
Đi trên khắp các cánh đồng từ vùng thấp đến vùng cao trong huyện, nông dân Trấn Yên đang rất tích cực chăm sóc lúa xuân.
Trên cánh đồng thôn 16, xã Báo Đáp, ông Trần Văn Tân đang làm cỏ, bón phân cho lúa. Xác định sản xuất nông nghiệp không phải chỉ để lấy lương thực, nên vụ xuân năm nay, gia đình ông tập trung thâm canh các giống lúa thuần chất lượng cao là Bắc thơm và Chiêm hương để làm hàng hóa.
Với 10 sào ruộng khoán, vụ nào gia đình ông cũng bán hơn tấn lúa. Ông Tân cho biết: “Cấy lúa quan trọng nhất là chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Thời tiết vụ xuân năm nào cũng vậy, sâu bệnh khá nhiều. Nếu thấy hiện tượng lúa bị nhiễm bệnh là phải phòng trừ ngay, không thì chỉ một vài hôm là hỏng hết”.
Ông Nguyễn Văn Ấm, thôn 15 cho biết: “Nhà tôi có hơn 9 sào ruộng khoán. Nhiều năm trước, do chủ quan, khi thấy một số diện tích bị rầy xanh, tôi nghĩ là bình thường nên không mua thuốc về phun. Vậy mà, chỉ hai ngày sau, từ một đám nhỏ đã lan ra thêm mấy sào lân cận. Vụ xuân năm nay, thời tiết khá hơn nên lúa phát triển tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Gia đình tôi thường xuyên thăm đồng, chủ động bón thúc để lúa phát triển tốt và theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, nếu thấy hiện tượng là phòng trừ ngay, nhất quyết không để tình trạng như năm ngoái”.
Là xã thuần nông, mặc dù diện tích lúa không nhiều, vụ xuân năm 2017, xã Báo Đáp gieo cấy trên 182 ha lúa. Lúa cấy sau tết Nguyên đán, thời tiết thuận lợi nên sinh trưởng, phát triển tốt. Theo ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp thì vụ xuân là vụ có nhiều sâu bệnh nhất, giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ là giai đoạn mà sâu bệnh bùng phát tương đối nhiều.
Căn cứ Thông báo số 13/TB-BVTV ngày 28/2/2017 của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện về tình hình sâu bệnh hại đầu vụ xuân, UBND xã đã có thông báo yêu cầu các trưởng thôn phối hợp với cán bộ nông lâm xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, phòng trừ tốt các đối tượng sâu bệnh hại lúa; trong đó, tập trung chủ yếu là bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và một số loại sâu bệnh khác. Nếu có dấu hiệu sâu bệnh phải kịp thời phun thuốc ngay, tránh để phát sinh ra diện rộng.
Là xã có diện tích lúa lớn nhất huyện, vụ xuân này xã Hồng Ca gieo cấy 230,5 ha lúa nước trên chân ruộng 2 vụ, phấn đấu năng suất đạt 50 tạ/ha. Ngay sau khi hoàn thành kế hoạch gieo cấy, xã chỉ đạo nhân dân tập trung vào khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Theo Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Toàn, xác định sản xuất lúa nước vẫn là nhiệm vụ chính để đảm bảo an ninh lương thực, bởi vậy, ngay sau khi nhận được thông báo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện về tình hình sâu bệnh hại lúa, UBND xã đã xây dựng kế hoạch để triển khai đến tất cả các thôn.
"Xã yêu cầu các đồng chí trưởng thôn đôn đốc nhân dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến của các đối tượng dịch hại, đặc biệt là các hộ gieo cấy giống lúa nếp, BC15, CR203 bởi đây là giống dễ bị bệnh đạo ôn nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi thấy có dấu hiệu của bệnh, nông dân phải ngừng bón đạm, phân bón lá, kịp thời phun thuốc xử lý ngay” - ông Toàn cho biết.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, vụ xuân 2017, toàn bộ diện tích lúa được gieo cấy trong khung thời vụ sau tết Nguyên đán, gặp thời tiết thuận lợi nên phát triển tốt. Đến thời điểm này, lúa trà sớm đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh; lúa trà chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Diễn biến thời tiết vừa qua khá bất thường.
Qua kiểm tra trực tiếp, tình hình sâu bệnh đã xuất hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của lúa. Một số xã như: Hòa Cuông, Minh Quán, Quy Mông, Lương Thịnh, Y Can, Việt Cường, Vân Hội, Cường Thịnh, Nga Quán... đã xuất hiện bệnh đạo ôn; rải rác một số diện tích bị ruồi hại nõn, bạc lá cấp, bọ trĩ, rầy trắng hại lá, bọ xít đen, sâu cuốn lá nhỏ, sâu thân bướm 2 chấm.
Để đảm bảo toàn bộ diện tích lúa xuân trên địa bàn sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đảm bảo mục tiêu, năng suất và sản lượng, UBND huyện Trấn Yên đã có Công văn số 170/UBND-NN ngày 22/3/2017 yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các đơn vị khối nông nghiệp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để chủ động các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Đặc biệt, chú trọng bệnh đạo ôn và khi xuất hiện vết bệnh cần ngừng bón phân đạm, phân bón lá, không để ruộng bị hạn, phòng trừ bằng một trong các loại thuốc: Fujione 40EC, Katana 20SC, Difuian 40EC; diện tích bị đạo ôn lá nặng phải phun kép 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 5 ngày; diện tích bị đạo ôn lá nhất thiết phải phun phòng đạo ôn cổ bông trước trỗ 5 - 7 ngày và sau trỗ 5 - 7 ngày bằng thuốc đặc hiệu Fujione 40EC.
Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa xuân của huyện Trấn Yên đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, khả năng sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại.
Vì vậy, các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo nông dân tránh chủ quan, tích cực thăm đồng, đánh giá mức độ phát sinh của sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo đảm lúa sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2017 tăng 6,02% so với cùng kỳ năm trước.
YBĐT - Để chuẩn bị cho hội nghị gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp toàn quốc vào tháng 4/2017, chiều 29/3, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Nguyễn Hồng Long – Phó Trưởng ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái và một số doanh nghiệp trên địa bàn về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
YBĐT - Ngày 29/3, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Nguyễn Hồng Long -Phó Trưởng ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ – CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp.
YBĐT - Riêng năm 2016, Yên Bái thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của 32 dự án; 6 phương án cải tạo phục hồi môi trường; 18 dự án về kế hoạch bảo vệ môi trường, 7 đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đơn giản.