Phát triển nghề nuôi tôm trên hồ Thác Bà: Người dân mong có chính sách hỗ trợ
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/3/2017 | 8:12:40 AM
YBĐT - Vào mùa đánh bắt, sản lượng tôm toàn vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình có thể lên tới 10 tấn/ngày.
Người dân đánh bắt tôm trên hồ Thác Bà.
(Ảnh: Mạnh Cường)
|
Những năm trước đây, ngư dân đánh bắt cá trên hồ Thác Bà bằng đủ các loại ngư cụ như lưới vét, lưới mắt nhỏ, kích điện, nổ mìn... khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Không thể dựa vào nguồn cá tự nhiên như trước, được sự khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, huyện nhiều hộ dân đã dần chuyển đổi sang nuôi cá lồng.
Từ năm 2006, huyện Yên Bình phát động phong trào nuôi cá lồng, cá bè ở 20 xã. Mỗi xã ban đầu chỉ có 3 - 4 lồng, đến nay, toàn huyện đã có 430 lồng cá, trên 100 ha cá quây lưới trong các eo ngách hồ.
Ông Trần Văn Thịnh là một trong những người nuôi cá lồng trên hồ đầu tiên ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Chỉ với hai lồng cá, mỗi năm ông Thịnh thu về cả trăm triệu đồng. Ông cho biết: “Nuôi cá lồng hiệu quả rất cao, một lồng cá trắm nếu chăm tốt sản lượng cũng đạt 7-9 tạ, giá thị trường 65.000 đồng/kg. Cỏ trên đảo hồ rất nhiều, chỉ mất công đi cắt đem về cho cá ăn, kết hợp với một số loại thức ăn tinh như ngô, sắn; trừ chi phí thì mỗi lồng cá người dân cũng lãi 40 triệu đồng/năm”.
Với lợi thế của vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đặt chỉ tiêu đến năm 2020 có 500 lồng nuôi cá, trong đó có 200 lồng nuôi các giống đặc sản nheo, lăng và cá tầm; 400 ha cá quây lưới. Tổng sản lượng thuỷ sản khai thác từ 5.500 - 6.000 tấn/năm, trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 3.000 tấn, sản lượng đánh bắt tự nhiên 2.550 tấn, đưa giá trị sản xuất thuỷ sản lên 22 tỷ đồng.
Huyện sẽ xây dựng 2 - 3 cảng cá và chợ đầu mối tại các xã: Mông Sơn, Phúc An và thị trấn Yên Bình; xây dựng cơ sở chế biến thủy sản tại xã Thịnh Hưng để tiêu thụ cá cho người dân. Có thể khẳng định, những chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng đã góp phần thay đổi tư duy của người dân, chuyển từ đánh bắt cá tự nhiên trên hồ sang nuôi trồng theo hướng công nghiệp cho hiệu quả cao hơn...
Tuy nhiên, hồ Thác Bà không chỉ có cá, sản lượng tôm đánh bắt hàng năm trên hồ rất lớn và người dân vùng hồ mới chỉ đánh bắt tự nhiên, manh mún mà chưa chú trọng vào nuôi trồng quy mô lớn hoặc theo hướng quy mô, liên kết nuôi trồng. Xã Mông Sơn là một trong những xã có bến tôm lớn nhất huyện Yên Bình. Vào mùa đánh bắt từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi ngày bến Mông Sơn thu mua của bà con trong vùng từ 2-3 tấn tôm, chiếm 1/3 sản lượng đánh bắt của hồ Thác Bà.
Chúng tôi đến bến Mông Sơn, từ 3 giờ chiều cho đến tối, thuyền tôm nườm nượp về bến. Chị Dịu ở thôn Tân Minh vừa bán được 5 kg tôm cho thương lái vui mừng khoe: “Chị đi từ đêm hôm trước, có một mình một thuyền nên chỉ thả lưới gần quanh đây, đến sáng cũng được 5 kg. Ở vùng này, nhiều hộ chịu khó đêm hôm có tháng vào mùa làm được 20 – 30 triệu đồng là bình thường”.
Vợ chồng anh Đinh Văn Thuận cũng ở thôn Tân Minh là một trong những hộ có thu nhập cao từ nghề đánh bắt tôm trên hồ cho biết: “Sản lượng vài năm gần đây giảm nhiều, nhưng bù lại giá tôm ổn định nên nghề tôm vẫn đem lại thu nhập cao, chỉ vất vả đêm hôm”. Chị Nguyễn Thị Hương là một trong những chủ thuyền có thâm niên trên 10 năm cho biết: “Hiện tôi có 15 thuyền nhỏ đánh bắt từ Mông Sơn đến Minh Tiến, mỗi ngày cũng thu về 2-3 tạ tôm”.
Theo lời chị Hương, giá tôm hiện nay loại to có giá 140.000 đồng/kg, loại nhỏ 70.000 đồng/kg, còn khi chưa phân giá tôm có giá trung bình 100.000 đồng/kg. Tôm hồ Thác Bà có “thương hiệu” riêng, theo các thương lái ở bến Mông Sơn thì toàn bộ tôm ở đây đều đã được các chủ hàng ở các chợ đầu mối Hà Nội đặt.
Người dân Yên Bái muốn ăn tôm hồ Thác Bà cũng rất khó. Toàn bộ sản lượng tôm trên hồ Thác Bà đánh bắt được khi về đến các bến sẽ được sàng lọc ra từng loại to, nhỏ rồi thả trong lồng nuôi tạm, khi đủ khối lượng nhất định rồi mới chuyển về Hà Nội.
Điều đáng tiếc là, sau khi sàng lọc, một lượng lớn tôm nhỏ buộc bán đi với giá chỉ 70.000 đồng/kg. Nhiều người dân muốn giữ lại tôm nhỏ để tự nuôi thêm một thời gian có thể bán được với giá gấp đôi, nhưng chưa ai dám làm, bởi lẽ, người dân không biết quy trình nuôi tôm nước ngọt. Hiện nay, đa phần các lớp tập huấn hướng dẫn người dân mới chỉ tập trung vào nuôi cá lồng, các eo ngách.
Mỗi ngày, tại bến Mông Sơn, thương lái thu mua từ 2-3 tấn tôm.
Ông Lương Xuân Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Mông Sơn cho rằng: “Nói về nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà thì con tôm chiếm một vị trí khá quan trọng. Hiện nay, 1/3 số dân của xã Mông Sơn sống bằng nghề đánh bắt tôm trên hồ, trong điều kiện sản lượng tôm đang có chiều hướng giảm mạnh thì việc nuôi tôm trên hồ là một hướng đi tốt. Hiện tại, vẫn chưa có chính sách nào khuyến khích việc nuôi tôm trên hồ, có nhiều hộ dân đang tìm hiểu qua nhiều kênh về quy trình, kỹ thuật nuôi nhưng chưa ai dám làm. Chính vì vậy, nếu có được một mô hình điểm để nông dân học tập sẽ rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm”.
Vào mùa đánh bắt, sản lượng tôm toàn vùng hồ Thác Bà có thể lên tới 10 tấn/ngày, một nửa trong đó là các loại tôm nhỏ, giá trị thấp hơn nhiều. Do vậy, người dân vùng hồ rất cần có một mô hình hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi tôm trên hồ Thác Bà để góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả khai thác, tiến tới chuyển đổi việc đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng quy mô lớn, đưa tôm Thác Bà vươn xa hơn ra thị trường.
Chính sách, có khi đi trước, nhưng cũng có khi, từ thực tiễn bổ sung cho chính sách, chính sách dần hoàn thiện để hỗ trợ, thúc đẩy nhanh hơn. Tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, trong đó, chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới tiếp tục được khuyến khích. Còn con tôm - nghề nuôi tôm trên hồ Thác Bà - một tiềm năng lớn của Yên Bái dường như đang bỏ ngỏ. Người dân đang mong chờ một chính sách hỗ trợ cho nghề nuôi tôm trên hồ - đó là mong muốn chính đáng, cần được các cấp, các ngành xem xét!
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Sau đợt rét đậm, rét hại kéo theo tình trạng băng tuyết xuất hiện đầu năm 2016, toàn huyện đã có trên 1.400 ha cây thảo quả của người dân bị chết.
Ngày 28/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 506 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Vườn cây cao su 5 năm tuổi tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, thuộc Công ty cổ phần Cao su Yên Bái. Sau hơn 5 năm bén rễ, cây cao su phát triển tốt, có cây cao hơn 8m, vanh bình quân đạt 35 cm, đặc biệt qua chiết thử nhiều cây đã có mủ.
Từ 7 giờ sáng 30/3, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã chính thức chuyển đổi phương thức bay đi/đến SID/STAR RNAV1 và phân chia lại các phân khu kiểm soát tiếp cận Nội Bài tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.