“Vàng xanh” ở Xuân Tầm
- Cập nhật: Thứ tư, 5/4/2017 | 1:46:22 PM
YBĐT - Diện tích rừng sản xuất của Xuân Tầm có trên 4.514 ha thì quế chiếm gần 3.400 ha và cây quế có mặt ở 20/20 thôn, bản của xã.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đồng thời, nâng cao giá trị thu nhập từ cây quế, những năm qua, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên đã có nhiều chủ trương khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích cây quế để bảo đảm nguồn nguyên liệu lâu dài, bền vững, đáp ứng cho việc chế biến các sản phẩm từ quế.
Đồng chí Trần Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm cho biết: “Với đặc thù của xã vùng cao đặc biệt khó khăn, cả xã có 140 ha lúa 2 vụ, song Xuân Tầm có lợi thế về đồi rừng lại nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện. Xác định quế là cây trồng chủ lực để xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, nhiều năm qua, xã đã vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng quế. Bình quân mỗi năm, xã trồng mới trên 140 ha quế, đến nay, tổng diện tích quế toàn xã có gần 3.400 ha và trong đó trên 50% diện tích đến kỳ khai thác, mỗi năm, xuất bán từ 500 - 600 tấn vỏ quế các loại, thu về hàng chục tỷ đồng”.
Hiện nay, diện tích rừng sản xuất của Xuân Tầm có trên 4.514 ha thì quế chiếm gần 3.400 ha và cây quế có mặt ở 20/20 thôn, bản của xã. Cùng với 8 xã trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện, quế ở Xuân Tầm đã khẳng định được vị thế, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, là cây trồng chủ lực của địa phương.
Hiện nay, xã có Hợp tác xã Bách Lâm chế biến các sản phẩm từ quế và chiết xuất tinh dầu quế. Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã thu mua, chế biến 65.000 tấn cành lá quế tươi, chiết xuất 22 tấn tinh dầu quế và có 5 cơ sở thu mua, sơ chế quế. Nhờ cây quế mà nhiều người dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Giá trị kinh tế từ cây quế mang lại đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 50,2% năm 2016.
Chỉ những ngôi nhà xây khang trang trị giá cả tỷ đồng, Chủ tịch UBND xã Trần Đức Thịnh cho biết tất cả đều nhờ cây quế. Gia đình ông Triệu Tài Trình ở thôn Khe Lép 1 là một điển hình về trồng quế cũng là một trong những hộ thoát nghèo và làm giàu từ cây quế. Ông Trình cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, nhà đông con, mặc dù diện tích đồi rừng nhiều song chủ yếu là trồng ngô, sắn nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương phát triển cây quế, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sang trồng quế, nhờ vậy, cuộc sống khá dần lên”.
Từ 5 ha rồi mở rộng lên 10 ha quế, hiện nay, gia đình ông đã có 30 ha quế từ 1 - 20 năm tuổi, khai thác đến đâu lại tiếp tục trồng mới đến đó. Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng quế nên chỉ sau 3 năm, gia đình ông tỉa bớt những diện tích mới trồng để bán cho các cơ sở chế biến, những diện tích đã đến tuổi khai thác sẽ tận thu để trồng mới. Bình quân mỗi năm chỉ bóc tỉa, bán cành lá, ông cũng thu về gần 200 triệu đồng; khi cần việc lớn khai thác trắng thì thu nhập cả tỷ bạc.
Gia đình ông Triệu Văn An ở thôn Khe Chung 3 từng là hộ nghèo nhất nhì của thôn mặc dù chăm chỉ làm nương rẫy, song cuộc sống cũng chỉ gọi là tạm đủ ăn. Đất rừng nhiều, song chỗ thì trồng sắn, chỗ lại trồng ngô, chỗ thì gieo lúa nương nên cuộc sống gia đình cứ vẫn không khá hơn. Từ khi chuyển sang chuyên canh quế, gia đình ông đã khá lên trông thấy. Với 20 ha quế từ 1 - 20 năm tuổi, mỗi năm bán tỉa gia đình ông cũng thu về trên 100 triệu đồng.
Ông An cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng đã trồng các loại cây lâm nghiệp như: keo, bồ đề, song giá trị kinh tế không cao. So với các loại cây lâm nghiệp khác thì quế là cây có giá trị kinh tế cao hơn hẳn, hơn nữa quế cũng không làm đất bị bạc màu như các loại cây lâm nghiệp khác”.
Ngôi nhà mới xây trị giá cả tỷ đồng và những vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác của gia đình ông An đều từ cây quế. Không chỉ có gia đình ông Trình, ông An mà nhiều hộ dân toàn xã nhờ trồng quế đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ còn giàu lên với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với những ưu thế vượt trội, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở Xuân Tầm. Để tiếp tục nâng cao vị thế cây quế nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác, xã vận động nhân dân tiếp tục duy trì và bảo tồn các cây quế giống tại thôn Khe Đóm 1 để lưu giữ nguồn gen quế phục vụ cho nhu cầu phát triển cây giống của địa phương, tiếp tục đầu tư thâm canh mở rộng diện tích quế để ổn định vùng nguyên liệu.
Lê Thanh
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
YBĐT - Đó là sự liên kết giữa bốn nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp) trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm quế.
YBĐT - Từ việc bàn giao triển khai 3 chương trình cho vay vốn ban đầu, đến nay Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trấn Yên đang thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 302 tỷ đồng.
YBĐT - Bám sát định hướng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương về chủ trương, cơ chế, nguồn lực nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.