Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2030
- Cập nhật: Thứ ba, 11/4/2017 | 1:20:03 PM
YênBái - YBĐT - Sáng 11/4, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2030. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.
|
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hồ Thác Bà được xác định là 1 trong 47 địa điểm có tiềm năng phát triên trở thành khu du lịch quốc gia với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái hồ, cảnh quan và giá trị văn hóa bản địa.
Do đó, Quy hoạch đưa ra 3 phương án là phương án thấp, phương án trung bình và phương án cao.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, phương án 2 (trung bình) là phương án lựa chọn để làm cơ sở tính toán dự báo các chỉ tiêu đầu tư phát triển du lịch và đề xuất các định hướng phát triển của Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Theo phương án này, các chỉ tiêu chính dự báo đạt được là: năm 2020 đón 192 ngàn lượt khách du lịch, năm 2030 đón hơn 1 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt khoảng 57 tỷ đồng, năm 2030 đạt hơn 1.030 tỷ đồng; đến năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 600 lao động trực tiếp, năm 2025 là khoảng 900 lao động và phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động; đến năm 2020 có khoảng 430 buồng lưu trú, năm 2025 có khoảng 620 buồng và đến năm 2030 là khoảng 980 buồng.
Không gian nghiên cứu lập Quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà sẽ bao gồm diện tích tự nhiên của hai huyện Yên Bình và Lục Yên với tổng diện tích khoảng 1.582 km².
Theo đó, định hướng phát triển thị trường khách du lịch gồm luồng khách chính từ Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc, các tỉnh lân cận trong vùng trung du và miền núi bắc bộ.
Luồng khách mới gồm khách từ bắc Thái Lan, khách qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, khách từ các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Thị trường khách du lịch chia thành 4 phân khúc chính: bình dân, phổ thông, hạng sang và siêu sang.
Sản phẩm du lịch đặc thù của hồ Thác Bà bao gồm: sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà “Nghìn đảo nổi – vạn sự kỳ thú, triệu niềm vui”, du lịch sinh thái trải nghiệm, nghỉ dưỡng trên đảo, các biệt thự cao cấp thu hút đối tượng khách quốc tế hạng sang. Khách du lịch đến đây được tham quan hệ sinh thái hồ và vùng ven hồ, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực tại các trang trại thủy sản trên hồ, trải nghiệm các môn thể thao trên mặt nước như: ca nô, lướt ván, du thuyền, dù lượn, câu cá…; tham quan du lịch đá quý tại huyện Lục Yên; tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương….
Phân vùng không gian tổng thể được phân thành 3 vùng phát triển là vùng tập trung khai thác khoáng sản trên cơ sở lấy thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên làm trung tâm; vùng tập trung phát triển du lịch tập trung khai thác không gian mặt nước hồ; vùng công nghiệp và đô thị lấy thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình làm trung tâm của vùng phát triển dịch vụ du lịch, phát triển các đầu mối và hậu cần.
Vùng lõi Khu du lịch quốc gia gồm 3 trung tâm du lịch: Phúc Ninh - Cảm Nhân, Linh Sơn - Cao Biền, Tân Hương - Đại Đồng. Đây là vùng tập trung đầu phát triển Khu du lịch quốc gia gắn với dịch vụ tổng hợp, nghỉ dưỡng, thể thao, sinh thái, vui chơi giải trí; quy mô 1.750 ha.
Không gian du lịch lòng hồ thuộc các xã: Ngọc Chấn, Phúc Ninh, Cảm Nhân, Mỹ Gia, Xuân Lai, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Yên Bình, Đại Đồng, Tân Hương, Mông Sơn, An Phú. Đây là vùng tập trung vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá lòng hồ; quy mô 8.920 ha.
Tổng vốn đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà là 9.114,7 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành đã tập trung thảo luận bàn các biện pháp để phát triển, quy hoạch sao cho hiệu quả nhất, tập trung thu hút được nguồn lực, gắn với các sản phẩm đặc trưng, thành tour, tuyến rõ ràng để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho rằng, đồ án Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đề ra, nội dung dự thảo đã bám sát những quyết định phê duyệt, nhiệm vụ quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt.
Để đồ án hoàn thiện hơn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng với đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các ngành để chỉnh sửa cho hợp lý.
Trong đó cần tập trung những vấn đề như: phải nhất quán giữa phạm vi nghiên cứu, ranh giới, tên gọi các sản phẩm du lịch đặc trung cho từng vùng, miền; phải phân tích, đánh giá làm rõ mối quan hệ giữa phát triển du lịch, phát triển các ngành kinh tế khác và bảo vệ môi trường, tránh việc xung đột, mâu thuẫn trong quy hoạch.
Quy hoạch phải có định hướng, công cụ quản lý, phải làm rõ tính pháp lý của việc quy hoạch; các sản phẩm du lịch phải mang tính đặc trưng, đặc thù chủ đạo đối với từng phân khu, cả vùng theo thứ tự ưu tiên; phân khu không gian đặc thù tránh xung đột với các khu vực sản xuất hiện nay; phải nêu rõ việc kết nối các phân khu, tour, tuyến; xây dựng cơ cấu nguồn vốn đầu tư từng phân kỳ hợp lý.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao tránh nhiệm cho đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng đơn vị tư vấn tiếp tục chỉnh sửa cho hoàn thiện đồ án, thống nhất hoàn thành trong tháng 4 để trình Thường trực UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để tháng 5 sẽ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thông qua.
Thanh Tân
Các tin khác
Sáng 11-4, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết về cơ bản, Bộ Giao thông vận tải đã đồng thuận với Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Uber Việt Nam.
Từ nay đến năm 2022, Bộ Giao thông vận tải dự kiến đầu tư mới và mở rộng 684 km cao tốc với tổng vốn khoảng 140.116 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), trong 255 doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vừa được lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra trong đợt kiểm tra thứ nhất có 117 vụ vi phạm.
YBĐT - Là một trong những người đầu tiên trong xã áp dụng chăn nuôi giống gà mía lai, tổng đàn của gia đình chị Thắng có trên 1.000 con; trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 3.000 con.