“Tô màu” cho đất bán ngập hồ Thác Bà
- Cập nhật: Thứ tư, 12/4/2017 | 6:47:55 AM
YBĐT - Phủ xanh những khoảng đất trống trên phần đất bán ngập, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, để hồ Thác Bà thực sự là “viên ngọc xanh, không có vết rạn” là vấn đề rất cần được quan tâm.
|
Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam; diện tích vùng hồ 23.400 ha và diện tích mặt nước 19.050 ha; trên hồ có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Hơn 40 năm đi vào vận hành hồ chứa để phục vụ phát điện và cấp nước cho vùng hạ du, mực nước của hồ Thác Bà có khoảng dao động khá lớn từ cốt 46 đến cốt 58.
Với 12 m dao động ấy đã tạo ra một diện tích bán ngập nước lên đến cả nghìn ha. Người Yên Bái luôn tự hào và hãnh diện với bạn bè rằng, hồ Thác Bà là “viên ngọc xanh trên núi” nhưng có lẽ khoảng đất bán ngập trơ ra vào mùa cạn chính là vết rạn, vết nứt trên viên ngọc xanh đáng quý ấy!
Vãn cảnh hồ Thác vào mùa cạn (thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm), du khách sẽ kém vui bởi giữa làn nước trong vắt và bạt ngàn rừng xanh là dải đất bạc màu, nghèo kiệt, đỏ quạch và rất kém sức sống; tôm cá chẳng có chỗ trú ngụ cũng bỏ đi…
Một năm mà có 4 đến 5 tháng cảnh sắc như vậy thì sức hấp dẫn du khách cũng giảm xuống; cùng với đó, là ảnh hưởng ít nhiều đến việc thu hút những nhà đầu tư vào vùng hồ giàu tiềm năng này. Trong bối cảnh không thể duy trì ổn định mực nước vì phải sản xuất điện và điều tiết nước cho vùng hạ du, chúng ta chỉ còn cách duy nhất là “tô màu” cho phần đất bán ngập.
Qua khảo sát cho thấy, những năm qua, người dân các xã ven hồ thuộc hai huyện Yên Bình và Lục Yên khá tích cực canh tác trên điện tích đất bán ngập. Vào vụ xuân, bà con vùng ven như chạy đua với thời gian để cấy lúa, trồng màu.
Báo cáo của huyện Yên Bình cho thấy, bình quân mỗi năm bà con cấy được từ 120 đến 220 ha lúa, trồng 200 đến 400 ha ngô và 300 đến 600 ha lạc. Sở dĩ diện tích dao động như vậy là vì phụ thuộc vào mực nước trên hồ. Phần lớn diện tích lúa và màu đều được gieo trồng tại những vị trí bằng phẳng, cốt nước cao (thời gian đất nổi dài, đủ cho cây trồng sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch).
Như vậy, diện tích đất bán ngập được nông dân tranh thủ mùa cạn để canh tác là rất ít, đại bộ phận đất đai còn lại cứ khi chìm, lúc nổi gần nửa thế kỷ qua. Bỏ hoang phần đất bán ngập cả nghìn ha không chỉ ảnh hưởng xấu về kinh tế du lịch như đã phân tích ở trên, mà nó còn tạo ra sự lãng phí rất lớn, nhất là thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nông dân đang khát khao có đất để sản xuất như hiện nay.
Vậy, làm gì để khai thác phần đất bán ngập này và câu trả lời chỉ có thể là trồng cây lâm nghiệp! Thực tế thì việc trồng cây lâm nghiệp trên đất bán ngập hồ Thác Bà đã từng được quan tâm, đó là đối tượng cây tràm nước ngọt đã được Viện Cây lâm nghiệp đưa về trồng khảo nghiệm trên vùng đất bán ngập ở hồ Thác Bà từ đầu những năm 2000, với diện tích gieo trồng là 15 ha.
Kết quả cho thấy, cây tràm nước ngọt hoàn toàn có thể sinh trưởng và phát triển trên vùng hồ Thác Bà. Được biết, sau khi dự án khảo nghiệm của Viện Cây lâm nghiệp kết thúc, Công ty Lâm nghiệp Thác Bà cũng ươm giống tràm nước ngọn để bán cho nông dân thêm một vài vụ. Sau đó, nhiều hộ trong vùng còn về tận Ba Vì (Hà Nội) để mua giống về tiếp tục trồng.
Dù vậy, diện tích tràm nước ngọt trồng trên đất bán ngập cũng không đáng kể, bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân chậm lớn.
Rừng tràm trồng khảo nghiệm trên đất bán ngập hồ Thác Bà.
Ông Nguyễn Hữu Lân - một người trồng rừng trên đảo hồ Thác Bà cho biết: “So với những giống cây lâm nghiệp khác đang được trồng phổ biến ở Yên Bình và Lục Yên như: keo, bạch đàn, bồ đề, mỡ… thì giống cây tràm nước ngọt chậm lớn hơn nhiều. Trồng 10 năm mà chu vi thân gốc chỉ từ 35 đến 45 cm, trong khi cũng khoảng thời gian ấy nông dân trồng giống bạch đàn U6 hoặc U8 thì đã quay vòng được hai chu kỳ, sản lượng gỗ gấp 3, 4 lần. Nếu bà con trồng bồ đề đúng kỹ thuật mà để đến 10 năm thì chu vi thân gỗ đã 60 đến 70 cm, giá gỗ lên tới hơn 3 triệu đồng/m3”.
Theo các cán bộ kiểm lâm huyện Yên Bình thì cây tràm nước ngọt gần như không sinh trưởng vào mùa rét, mùa hè ấm áp, gốc lại chìm trong nước nên cũng chậm lớn. Hơn nữa, do trồng trên đất bán ngập, nghèo dinh dưỡng lại ít được chăm sóc nên cây càng chậm lớn hơn.
Nguyên nhân thứ hai là, giá bán, do chu vi thân gỗ nhỏ, phần lớn lại cong keo nên gỗ tràm không thể đóng đồ dân dụng và đưa vào xẻ thanh hoặc bóc ván cũng hạn chế, vì sản phẩm thu hồ rất ít. Vì thế, gỗ tràm chỉ còn gần như một lối tiêu thụ duy nhất là nghiền dăm, dù giá bán cũng thấp vì vỏ tràm rất dày và khó bóc nên chi phí cho chế biến tăng cao.
Từ thực tế kể trên, chúng ta cần quan tâm đầu tư phủ xanh vùng đất bán ngập trên hồ Thác Bà. Tỉnh có thể xem xét, quy hoạch diện tích đất bán ngập trên hồ Thác là đất trồng rừng phòng hộ. Song song với việc khuyến khích, hỗ trợ nông dân giống, vốn, trồng và chăm sóc giống cây tràm nước ngọt, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu đưa vào khảo nghiệm nhiều giống cây lâm nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và đặc thù đất bán ngập. Nếu tìm được giống cây lớn nhanh, chất lượng gỗ tốt và mang lại hiệu quả kinh tế (đối tượng cây Gáo vàng là một thí dụ) thì đưa nhanh vào chương trình trồng rừng kinh tế.
Phủ xanh những khoảng đất trống trên phần đất bán ngập, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, để hồ Thác Bà thực sự là “viên ngọc xanh, không có vết rạn” là vấn đề rất cần được quan tâm.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, Công ty Xăng dầu Yên Bái đã tổ chức ký biên bản nghiệm thu và khai trương Cửa hàng Xăng dầu số 32 tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái (ảnh).
YBĐT - Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn huyện Yên Bình có 198 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 2.000 tỷ đồng.
YBĐT - Trong quý I năm 2017, đã có trên 2,2 triệu lượt phương tiện lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
YBĐT - Sáng 11/4, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2030. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.