Khởi sắc nông thôn mới ở Yên Bình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/6/2017 | 8:12:07 AM

YBĐT - Mặc cho cái nắng oi ả của ngày hè, những ngày này, đến bất kỳ địa phương nào của huyện Yên Bình cũng thấy một không khí thi đua lao động, sản xuất khẩn trương, rộn rã - không khí thi đua của tinh thần xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Bưởi Đại Minh đã có thương hiệu trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bưởi Đại Minh đã có thương hiệu trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến Đại Minh - một trong những xã đầu tiên của huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, đi trên những con đường bê tông trải dài tít tắp, bên cạnh là những vườn bưởi sum xuê trái, đồng chí Nguyễn Thanh Huyền - Chủ tịch UBND xã Đại Minh phấn khởi cho chúng tôi biết: “Năm ngoái, cả xã thu được trên 40 tỷ đồng từ tiền bán bưởi, năm nay, bưởi được mùa hơn nên dự tính sẽ thu từ 50 - 60 tỷ đồng. Kết quả này có được, hoàn toàn là do có động lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM”.

Người dân xã Đại Minh hôm nay đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung quy hoạch mở rộng diện tích vùng bưởi, xây dựng thương hiệu cho bưởi Đại Minh trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Hiện, bưởi Đại Minh đã được Cục Sở hữu trí tuệ và Chủ sở hữu nhãn hiệu (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu "Bưởi Đại Minh". Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu đã giúp sản phẩm bưởi Đại Minh trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh bưởi ngày càng thuận lợi”.

Không chỉ nổi tiếng là vùng bưởi ngon, Đại Minh còn là điểm sáng trong thực hiện các phong trào thi đua của huyện Yên Bình, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.

Cùng với tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó trọng tâm là cây bưởi, xác định xây dựng cơ sở hạ tầng cũng không kém phần quan trọng, ngay từ khi bắt tay vào XDNTM, xã Đại Minh đã tập trung thu hút các nguồn vốn; huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các ngành, đoàn thể của xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công, vật liệu để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa (NVH). 

5 năm  qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân xã Đại Minh đã đóng góp gần 3 tỷ đồng để làm đường giao thôn thôn, hàng trăm triệu đồng để xây dựng NVH, hiến trên 50.000m2 đất cùng cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất để xây dựng các công trình hạ tầng.

Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã Đại Minh đã được xây dựng và nâng cấp đồng bộ; 100% các tuyến đường liên thôn được bê tông hóa; 15/15 thôn có NVH với đầy đủ thiết chế văn hóa và sân chơi thể thao; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/ năm.

Nhớ lại những ngày đầu triển khai xây dựng NVH thôn, đồng chí Nguyễn Thị Minh - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Nếp xúc động chia sẻ: “Đúng là khi lòng dân đồng thuận thì làm việc gì cũng không khó. Cả thôn có 50 hộ, hộ nào cũng tự nguyện đóng góp tiền, ngày công để làm NVH, hộ ít nhất là 1,6 triệu đồng, hộ nhiều là trên 10 triệu đồng. Ngôi NVH được dựng lên trị giá gần 300 triệu đồng mà Nhà nước không phải hỗ trợ phần nào, đến khi xây dựng chỉ phải thuê duy nhất một người “thợ cả” chỉ đạo công trình, còn lại đều là người trong thôn tập trung đến làm".

"Mỗi người một việc, ai cũng mệt nhưng đều rất vui. Mấy cụ già trong thôn, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu song ngày nào cũng có mặt để động viên mọi người làm. Các cụ còn mang cả gạo, thức ăn, hoa quả để góp phần cải thiện bữa cơm trưa cho đội thợ làm” - Bí thư Minh kể.

Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định, thành công trong XDNTM ở Đại Minh chính là nhờ phát huy sức mạnh trong dân, người dân đã thực sự trở thành chủ thể trong XDNTM và đây cũng là cách làm hay mà nhiều địa phương đang tích cực triển khai thực hiện làm theo.

Chia tay Đại Minh, chúng tôi đến với Thịnh Hưng - một trong những xã đang nỗ lực “cán đích” nông thôn mới vào cuối năm nay. Trao đổi với các đồng chí cán bộ xã, được biết, đến nay Thịnh Hưng đã hoàn thành 16/19 tiêu chí về XDNTM. Xã chỉ còn 3 tiêu chí đang nỗ lực hoàn thành là: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa.

“Tuy nhiên, các tiêu chí này đối với Thịnh Hưng không khó thực hiện bởi về cơ bản đều đang được triển khai tích cực và người dân rất đồng tình thực hiện”. Đồng chí Lương Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng khẳng định.

Nhằm “mục sở thị” những gì mà Thịnh Hưng đã làm được trong quá trình XDNTM, chúng tôi đến thôn Hơn - một trong những thôn trước đây đi lại rất khó khăn vì đường giao thông chưa được đầu tư nhưng nay thì ô tô, xe máy có thể đến tận từng nhà vì có con đường bê tông mới dài gần 1km vừa hoàn thành.

Đồng chí Đỗ Khắc Cương - Bí thư Chi bộ thôn Hơn cho biết: “Bà con trong thôn phấn khởi lắm! Từ ngày có con đường mới, nhà nào nhà ấy đều tích cực sửa sang sân, cổng; dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Có được con đường này, trước tiên là nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sau phải kể đến sự đóng góp của bà con trong thôn. Mặc dù nhiều hộ đời sống còn khó khăn song ai cũng đóng góp tiền làm đường, nhiều hộ còn sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường như gia đình ông Nguyễn Văn Long, bà Bùi Thị Lân, bà Lương Thị Hải…”.

Hiện tại, các tuyến đường giao thông trục chính trên địa bàn xã Thịnh Hưng phần lớn đã được bê tông hóa, 8/10 thôn đã có NVH. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Toàn xã Thịnh Hưng có trên 200 hộ đạt mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/ năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/ năm, trên 80% số hộ đã có nhà xây kiên cố và xe máy.

Cùng với Thịnh Hưng, theo kế hoạch, trong năm nay, huyện Yên Bình sẽ có  thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới là: Mông Sơn, Phú Thịnh, Bạch Hà, Vĩnh Kiên. Đến nay, xã Mông Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí, Phú Thịnh đạt 16/19 tiêu chí, Bạch Hà đạt 17/19 tiêu chí, Vĩnh Kiên đạt 14/19 tiêu chí. Các xã này cán đích sẽ góp phần nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 7 xã cũng là góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo nông thôn ở Yên Bình.

Để duy trì và phát huy những kết quả đạt được, đồng thời giúp người dân ngày càng hiểu đúng, hiểu sâu hơn về nhiệm vụ XDNTM, huyện Yên Bình đang tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM; phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình XDNTM.

Tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, sớm hình thành các chuỗi liên kết; phân loại các hộ nghèo đồng thời phân công cán bộ hướng dẫn các hộ phát triển kinh tế để thoát nghèo. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Yên Bình sẽ có trên 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành huyện phát triển toàn diện trong tương lai.

Hồng Oanh

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình (bên trái) thăm Nhà máy May DaeSeung.

YBĐT - Huyện Yên Bình đang triển khai các giải pháp cụ thể xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ thay vì quản lý, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo “cú huých” bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

YBĐT - Chiều 15/6, tại huyện Văn Yên, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Chương trình café doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì đối thoại với doanh nghiệp; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và trên 60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự.

Hội thảo khoa học "Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở các tỉnh phía Bắc" vừa diễn ra tại Quảng Ninh.

Các đại biểu tham quan mô hình lúa Nông ưu 28 ở cánh đồng Mỏ thị trấn Yên Thế.

YBĐT - Mấy năm trở lại đây, huyện Lục Yên liên tục được mùa; năng suất lúa vụ sau luôn cao hơn vụ trước, góp phần ổn định kinh tế, xã hội cho khu vực nông thôn. Để có được thành quả này, bên cạnh sự nỗ lực của nông dân phải kể đến vai trò quan trọng của những chủ trương, chính sách của tỉnh đã thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, trong đó việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống là một trong những giải pháp đột phá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục