Yên Bình: Vững tin hướng tới tương lai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/6/2017 | 8:49:41 AM

YBĐT - Đi khắp các địa phương của huyện Yên Bình những ngày tháng 6 này, đâu đâu cũng thấy không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện. Vùng đất này đã và đang chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước với những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.

Nhờ các chính sách khuyến khích phát triển, các doanh nghiệp trên địa bàn không ngừng mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Nhờ các chính sách khuyến khích phát triển, các doanh nghiệp trên địa bàn không ngừng mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Chúng tôi có mặt tại thôn Ngọn Ngòi, xã Bạch Hà - địa phương nổi tiếng với giống gạo ngon khi người dân đang thoăn thoắt gặt lúa trong cái nắng chói chang của mùa hè. Mồ hôi ướt đầm lưng áo cũng không làm vơi đi tiếng nói, tiếng cười rộn rã.

Trên khuôn mặt họ không giấu được niềm phấn khởi bởi năm nay lúa được mùa hơn mọi năm. Những ngả đường, những cánh đồng về làng tấp nập xe cộ, máy tuốt lúa, người gồng gánh... Bà Hữu Thị Vừng ở thôn 2 Hàm Rồng, xã Bạch Hà phấn khởi cho biết: “Bà con chúng tôi rất vui vì lúa chất lượng cao năm nay phát triển tốt, được cả năng suất và giá bán”.

Năm nay, toàn xã Bạch Hà gieo cấy 155 ha giống lúa Chiêm hương và Thái bình, năng suất bình quân 55 - 60 tạ/ha, giá bán trung bình 15.000 - 16.000 đồng/kg. Đồng chí Phạm Đình Huân - Bí thư Đảng ủy xã Bạch Hà cho hay: “Để đặc sản gạo Bạch Hà vươn xa, được nhiều người biết đến, địa phương đang tiến hành xây dựng thương hiệu. Dự kiến, khoảng tháng 11/2017 sẽ công bố nhãn hiệu Gạo Bạch Hà”.

Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, huyện đã quan tâm quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: vùng lúa cao sản trên 500 ha, vùng chè nguyên liệu trồng các giống tiến bộ kỹ thuật trên 700 ha, vùng cây ăn quả đặc sản 200 ha, vùng tre măng Bát độ trên 150 ha; chăn nuôi thủy sản phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi với sản lượng thủy sản tính đến hết năm 2017 sẽ đạt 5.500 tấn/năm.

Diện mạo huyện Yên Bình có sự đổi thay rõ nét đặc biệt từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Điểm nhấn là những con đường bê tông sạch đẹp được làm nên từ ý Đảng, lòng dân; các trường học, nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng... được đầu tư khang trang, rộng rãi. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

Yên Bình có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Hướng xây dựng quy hoạch tổng thể đến năm 2030, hồ Thác Bà trở thành khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách, mở ra cơ hội phát triển mới cho huyện. Còn rất nhiều công trình, dự án kết nối tương lai đang định hình sẽ tạo bước chuyển đầy ấn tượng cho huyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện và từng vùng, từng bước xây dựng thị trấn Yên Bình thành đô thị loại 4, đầu tư phát triển điểm đô thị tại xã Cảm Nhân làm động lực cho phát triển khu vực phía Đông hồ Thác Bà. Cùng với đó là việc tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa bảo đảm hiệu quả, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập đời sống người dân nông thôn”.

Yên Bình phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020 đạt 2.136 tỷ đồng; cơ cấu sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020 là: nông nghiệp chiếm 63,45%, lâm nghiệp 20,41%, thủy sản 16,14%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 15%/năm và đến năm 2020 đạt 3.200 tỷ đồng.

Cùng đó, huyện tăng cường phát triển công nghiệp chế biến sâu trong các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản; tiếp tục mở rộng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Thịnh Hưng. Ngoài ra, địa phương sẽ chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, tập trung phát triển kinh tế và du lịch vùng hồ Thác Bà.

Diện mạo đổi thay của Yên Bình những năm qua là kết quả của việc đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện với những chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Đó là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Định hướng phát triển hoạch định rõ ràng, kết quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua chính là tiền đề giúp Yên Bình phát triển theo hướng bền vững, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thêm động lực thi đua, sản xuất, vững tin vào tương lai tươi sáng.

Thanh Chi – Hoài Văn

Các tin khác
Bưởi Đại Minh đã có thương hiệu trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

YBĐT - Mặc cho cái nắng oi ả của ngày hè, những ngày này, đến bất kỳ địa phương nào của huyện Yên Bình cũng thấy một không khí thi đua lao động, sản xuất khẩn trương, rộn rã - không khí thi đua của tinh thần xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình (bên trái) thăm Nhà máy May DaeSeung.

YBĐT - Huyện Yên Bình đang triển khai các giải pháp cụ thể xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ thay vì quản lý, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo “cú huých” bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

YBĐT - Chiều 15/6, tại huyện Văn Yên, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Chương trình café doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì đối thoại với doanh nghiệp; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và trên 60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự.

Hội thảo khoa học "Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở các tỉnh phía Bắc" vừa diễn ra tại Quảng Ninh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục