Quy hoạch phát triển công nghiệp Yên Bái đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/6/2017 | 8:09:47 AM

YBĐT - Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 08 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển công nghiệp (PTCN) tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nội dung điều chỉnh Quy hoạch PTCN tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu đó là: Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt trên 13.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,6%/năm trở lên; với cơ cấu công nghiệp khai khoáng chiếm 9%, công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm 72%; sản xuất, phân phối điện, nước chiếm 17%; hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải chiếm 2%.

Năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 25.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt cao hơn giai đoạn trước; cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 35.000 tỷ đồng trở lên.

Nghị quyết cũng nêu rõ những nội dung điều chỉnh quy hoạch như phát triển các khu, Cụm công nghiệp (CCN). Theo đó, giai đoạn đến năm 2030 duy trì 3 khu công nghiệp (KCN) gồm KCN phía Nam, KCN Minh Quân và KCN Âu Lâu. Quy hoạch đến năm 2020 phát triển 12 CCN gồm: 9 CCN đã được quy hoạch gồm CCN Âu Lâu; CCN Sơn Thịnh; CCN Hưng Khánh; CCN Báo Đáp; CCN phía Tây cầu Mậu A; CCN Đông An; CCN Thịnh Hưng; CCN Yên Thế; CCN Đầm Hồng, thực hiện di rời CCN Đầm Hồng ra khỏi trung tâm thành phố.

Quy hoạch thêm 2 CCN là CCN Minh Quân nằm gần nút giao IC12 và CCN ở xã Bảo Hưng. Chuyển đổi KCN Bắc Văn Yên thành CCN. Giai đoạn đến năm 2030, tùy tình hình thu hút đầu tư lấp đầy các khu, CCN mở rộng diện tích KCN Minh Quân và KCN Âu Lâu, mỗi khu đạt 200 ha; mở rộng các CCN lên tối đa mỗi cụm 75 ha.

Về PTCN chế biến nông, lâm sản thực phẩm, tập trung vào chế biến chè, chế biến sắn, sản xuất giấy, chế biến gỗ, chế biến các sản phẩm từ quế, các sản phẩm từ quả sơn tra, chế biến măng tre Bát độ, chế biến thực phẩm từ thịt gia súc và một số sản phẩm khác.

Về PTCN khai thác và chế biến khoáng sản tập trung vào khai thác và chế biến Felspat bột; khai thác và chế biến Grafit; khai thác và chế biến đá vôi trắng; khai thác, tuyển quặng sắt và chế biến gang thép; khai thác và chế biến quặng chì, kẽm; thăm dò, khai thác và tuyển luyện đồng; khai thác và chế biến đất hiếm; khai thác chế biến thạch anh.

Nội dung Nghị quyết cũng nêu rõ về mục tiêu PTCN sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước; phát triển công nghiệp chế tạo, lắp ráp sửa chữa cơ khí, điện tử; công nghiệp hỗ trợ; phát triển công nghiệp chế biến công nghệ cao; PTCN dệt may, da giày, hóa chất, phân bón, thức ăn gia súc; phát triển sản phẩm mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra các giải pháp chủ yếu đó là: nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về công nghiệp; rà soát, điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; coi trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, thu hồi các dự án vi phạm các quy định hiện hành; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kinh doanh, xúc tiến thương mại; sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ, thiết bị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường, an ninh trật tự, an toàn lao động; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; chú trọng phối hợp tuyên truyền, giám sát, phản biện của các cấp, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện quy hoạch.

Thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp với lộ trình và bước đi phù hợp; tăng trưởng ngành công nghiệp theo chiều sâu; giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng ngành chế biến; tập trung nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống như: chè, tinh bột sắn, chế biến gỗ, tinh dầu quế...; hỗ trợ phát triển một số sản phẩm mới như: sơn tra, chế biến thịt gia súc, gia cầm; giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, khuyến khích và ưu tiên các dự án đầu tư khai thác chế biến sâu; khuyến khích phát triển một số sản phẩm vật liệu xây dựng mới phù hợp với điều kiện của tỉnh và nhu cầu của thị trường (gạch không nung, sứ dân dụng, sứ vệ sinh...); rà soát, đánh giá tình hình khai thác chế biến đá vôi trắng, trên cơ sở đó sắp xếp, điều chỉnh hệ thống các cơ sở đang hoạt động khai thác, chế biến đá vôi trắng trên địa bàn.

PTCN sản xuất điện theo hướng thu hút đầu tư các dự án sản xuất điện mới, sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió) trên địa bàn tỉnh; không cấp chủ trương đầu tư thêm các dự án thủy điện nhỏ. Đầu tư mới, cải tạo nâng cấp hệ thống truyền tải điện. Từng bước PTCN chế tạo, lắp ráp sửa chữa cơ khí, điện tử; PTCN hỗ trợ; PTCN công nghệ cao. Đến năm 2020 thu hút đầu tư thành công các dự án công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2025, từng bước thu hút các dự án chế biến công nghiệp công nghệ cao, các dự án tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị lớn; phát triển phù hợp công nghiệp dệt may, da giày, hóa chất; khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất các sản phẩm từ da, sơn, nhựa, hạt nhựa, cao su ...

Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025. Dự báo và xác định nhu cầu để có kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo lao động cho phát triển sản xuất công nghiệp phù hợp với định hướng và yêu cầu trong từng giai đoạn.

Đức Toàn

Các tin khác
Rừng nguyên sinh Nà Hẩu.

YBĐT - Một thời, Văn Yên là “điểm nóng” trong chặt phá, khai thác rừng, nhất là rừng tự nhiên.

YBĐT - Chăn nuôi vỗ béo bò theo phương thức bán chăn thả là biện pháp kỹ thuật hiệu quả đã và đang trở thành phong trào rộng rãi ở xã An Phú, huyện Lục Yên.

Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố Yên Bái.

YBĐT - Những năm qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT tỉnh đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời nạn kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng... trên địa bàn thành phố Yên Bái.

YBĐT - Theo ngành thuế Yên Bái, đến ngày 20/6, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 890,7 tỷ đồng, bằng 46% dự toán Bộ Tài chính giao và 43% chỉ tiêu của HĐND tỉnh giao. 6 đơn vị đạt 50% dự toán giao trở lên là các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục