Cây cam trên đất Thượng Bằng La

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/8/2017 | 8:08:20 AM

YBĐT - Tất cả 20 thôn trên địa bàn xã đều trồng cam, nhiều nhất là thôn Thiên Tuế có 120 ha. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Đình Mưu thì "cứ thôn nào trồng nhiều cam là hộ nghèo hầu như không còn”.

Ông Nguyễn Minh Nhiệm (đội mũ) - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La thường xuyên thăm vườn của tổ viên.
Ông Nguyễn Minh Nhiệm (đội mũ) - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La thường xuyên thăm vườn của tổ viên.

Thượng Bằng La là một trong số 8 xã, 1 thị trấn nằm trong vùng trọng điểm trồng cây ăn quả có múi của huyện Văn Chấn. Ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: "474,5 ha là diện tích trồng cam hiện có của địa phương, trong đó có khoảng 50% diện tích đang cho thu hoạch. Người dân trồng khá nhiều loại giống như cam Đường canh, cam chanh, cam sành, cam Vinh… Cây cam sành chiếm tỷ lệ lớn nhất trong diện tích đang cho thu hoạch với hơn 100 ha. Tuy nhiên, khoảng hai đến ba năm tới đây, diện tích cam khác sẽ dần chiếm diện tích lớn vì người dân đã đưa vào trồng các giống mới là cam Va-len-xi-a, cam chín sớm CS1…”.
 
Năm 2016, sản lượng cam xuất bán ra thị trường của địa phương đạt trên 3.000 tấn với giá bình quân 15.000 đồng/kg. Tất cả 20 thôn trên địa bàn xã đều trồng cam, nhiều nhất là thôn Thiên Tuế có 120 ha. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Đình Mưu thì "cứ thôn nào trồng nhiều cam là hộ nghèo hầu như không còn”.
 
Ở thôn Thiên Tuế, 90 hộ dân tất cả đều trồng cam. Vụ cam năm 2016, thôn thu về hơn 10 tỷ đồng từ 800 tấn cam. Cam ở Thượng Bằng La nổi tiếng ngon trong vùng thì cam của thôn Thiên Tuế lại có tiếng nhất trong xã. Những người dân nơi đây cho biết, cam Thiên Tuế chủ yếu là cam đồi, thơm, ngon, ngọt đậm đà. Được ưu đãi về khí hậu, chất đất cộng với sự chịu khó, nhanh nhạy, năng động, Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế với 26 tổ viên duy trì hoạt động hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Minh Nhiệm - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế khẳng định: "Từ khi có Tổ hợp tác, các tổ viên đã đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm, hỗ trợ nhau để bảo đảm quyền lợi của mỗi người cũng như của cả tập thể. Chúng tôi vẫn thường trao đổi với nhau rằng những gì mọi người nhận được từ Tổ hợp tác không phải là tiền, là vật chất, là tưởng như vô hình nhưng lại rất thiết thực, có ích bởi giúp nhau làm sao nâng cao năng suất, chất lượng và tiêu thụ tốt thì cuối cùng lại là tiền thu về”.
 
Vì vậy, việc quan tâm sản xuất, cung ứng sản phẩm cam sạch cho thị trường cũng luôn được Tổ hợp tác chú trọng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra tại các đồi cam, vườn cam của tổ viên.
 
Năm 2015, có 5 hộ của thôn Thiên Tuế được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Yên Bái chọn xây dựng mô hình trồng cam an toàn theo VietGAP đã mở ra hướng đi mới theo xu thế hiện nay.
 
Mỗi năm, xã Thượng Bằng La trồng mới 50 ha cam với sự hỗ trợ của huyện Văn Chấn về cây giống để đến năm 2020 đạt mục tiêu có 600 ha cam. Quỹ đất cho mục tiêu này hiện trên địa bàn toàn xã còn khoảng 200 ha rải rác ở tất cả các thôn và là thực hiện chuyển đổi từ diện tích chè, diện tích cây lâm nghiệp đồi thấp kém hiệu quả. Việc thực hiện quy hoạch diện tích trồng cam của Thượng Bằng La trong những năm tới cũng phải tiến hành song song với việc giải quyết các vấn đề ngay từ lúc này.
 
Vấn đề quan trọng nhất mà người trồng cam quan tâm chính là thị trường tiêu thụ. Sản phẩm cam quả của địa phương hiện nay chủ yếu do thương lái thu mua đưa về miền xuôi. Việc này phần lớn các hộ dựa vào người thân quen ở các tỉnh giới thiệu, tự mình vận động để tìm mối và còn lại trực tiếp bán lẻ. Riêng Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế đã thuê xây dựng một trang website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cuối năm 2016, cam Văn Chấn đã được công nhận nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn chưa có tem nhãn, bao bì.
 
Ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết thêm, nhiều hộ dân địa phương đã sáng tạo bằng cách tự đan lồng có hình thức đẹp để đựng cam bán lẻ cho khách dọc đường. Sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng đòi hỏi sản phẩm cam phải đáp ứng yêu cầu, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là muốn vào được các thị trường lớn một cách ổn định và bền vững.
 
Bà Vũ Thị Lợi - Bí thư Chi bộ thôn Thiên Tuế cho rằng: "Cũng là người trực tiếp trồng cam, tôi thấy nếu muốn tiêu thụ trong các siêu thị thì bắt buộc mình phải làm theo quy trình sạch, đồng bộ, diện tích lớn, sản lượng lớn, chất lượng tốt”. Từ vấn đề thị trường tiêu thụ đã đưa đến mối quan tâm thứ hai cần tập trung thực hiện là thực hành sản xuất an toàn ở quy mô lớn.
 
Ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La nêu quan điểm: "Sau khi 5 hộ ở thôn Thiên Tuế thực hiện trồng cam an toàn theo VietGAP, chúng tôi cũng đã tuyên truyền về mô hình này đến nhân dân trong xã. Đối với người trồng cam, nếu như đầu ra cho sản phẩm được bảo đảm tiêu thụ ổn định thì chắc chắn việc thực hiện sản xuất theo quy trình sạch không có gì là khó khăn vì lợi nhuận sản xuất sẽ quyết định đến ý thức của họ. Chúng tôi cũng thật sự mong muốn được hỗ trợ, giúp sức cùng với sự nỗ lực từ phía địa phương và mỗi người dân”. 

 Nguyễn Thơm

Các tin khác
Đồng chí Vũ Tiến Đức – Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại tại công trình thủy lợi Mí Háng, bản Tà Ghênh, xã Lao Chải.

YBĐT -  Sau lũ quét, toàn huyện Mù Cang Chải có 146 công trình thủy lợi bị hư hỏng; đến nay đã khắc phục tạm thời trên 80 công trình, hiện vẫn còn 27 công trình đầu mối hư hỏng nặng, gần như không thể tự khắc phục 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg) về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 15-8-2017.

Người dân đến giao dịch vay vốn tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lục Yên.

YBĐT - Tính đến ngày 30/6/2017, tổng nguồn vốn cho vay các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên đã đạt trên 398,3 tỷ đồng, tăng 19,6 lần so với năm 2003.

YBĐT - Trong 7 tháng đầu năm 2017, qua công tác kiểm tra, lực lượng kiểm lâm huyện đã  phát hiện lập biên bản xử lý 12 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục