Nên nhân rộng mô hình trồng cây Atiso ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/8/2017 | 1:51:48 PM

YBĐT - So với các cây trồng nông nghiệp khác đang được gieo trồng trên địa bàn huyện, cây Atiso cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô, lúa khoảng 5 lần. 

Cán bộ kỹ thuật Dự án, hướng dẫn các hộ ở xã La Pán Tẩn thu hoạch lá Atiso và mẫu mã sản phẩm cao Atiso.
Cán bộ kỹ thuật Dự án, hướng dẫn các hộ ở xã La Pán Tẩn thu hoạch lá Atiso và mẫu mã sản phẩm cao Atiso.

Trong năm 2015 và 2016, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mù Cang Chải đã triển khai thực hiện Dự án khoa học "Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây Atiso trên địa bàn huyện Mù Cang Chải”. 

Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 304.225.000 đồng, trong đó nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học là 220 triệu đồng, nhân dân đóng góp là 84.225.000 đồng. Mục tiêu của Dự án là chuyển giao tiến bộ khoa học và kỹ thuật trồng cây dược liệu, bổ sung giống cây trồng mới có hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao.

Kỹ sư trồng trọt Lương Văn Thư - Phó phòng NN&PTNT huyện Mù Cang Chải, Chủ nhiệm Dự án cho biết: ”Để Dự án triển khai thực hiện theo đúng tiến độ, từ ngày 15 đến ngày 26/5/2015, Phòng phối hợp với UBND các xã Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình tổ chức điều tra lựa chọn các hộ đảm bảo các tiêu chí tham gia thực hiện mô hình. Qua điều tra, đơn vị chủ trì thực hiện Dự án đã lựa chọn được 4 hộ dân ở xã La Pán Tẩn đáp ứng được các tiêu chí: đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô, nguồn nước phải sạch, không ô nhiễm; hộ tham gia là những hộ nhiệt tình, có lao động, có điều kiện thâm canh, diện tích đất trồng Atiso tối thiểu từ 1.000 m2 trở lên tham gia thực hiện mô hình trồng 1ha Atiso”. 
 
Sau khi lựa chọn được 4 hộ tham gia mô hình, đầu tháng 6/2015, đơn vị chủ trì Dự án đã tổ chức mở lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến cây Atiso tại  xã La Pán Tẩn cho 40 hộ gia đình tham gia. Cùng với việc điều tra, lựa chọn ký hợp đồng với các hộ tham gia mô hình; tổ chức tập huấn, đơn vị chủ trì Dự án đã khảo sát, lựa chọn được một đơn vị cung cấp giống đảm bảo tiêu chuẩn tại huyện Sa Pa (Lào Cai) và ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới để mua cây giống Atiso đảm bảo đạt tiêu chuẩn, cung ứng cho các hộ tham gia mô hình trồng.
 
Đồng thời, chuẩn bị 30.000kg phân hữu cơ; 400kg phân lân supe, 450kg phân đạm urê, 150 kg phân Kali clorua, 1.000 kg vôi bột; thuốc bảo vệ thực vật, lưới nhựa, cọc gỗ... cung ứng cho các hộ tham gia thực hiện mô hình. Sau khi cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia mô hình, đơn vị chủ trì Dự án đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng hộ hướng dẫn làm đất, bón lót, trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật như thuyết minh của Dự án. 
 
Từ ngày 17/10 - 8/11/2015, các hộ tham gia Dự án ở xã La Pán Tẩn đã trồng xong 1ha cây Atiso. Sau khi trồng, đơn vị chủ trì Dự án cử cán bộ thường xuyên kiểm tra định kỳ 7 ngày/1lần để nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển của cây, phát hiện sớm diễn biến sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Một tuần sau khi trồng, cây bén rễ hồi xanh, tỷ lệ cây sống trung bình đạt trên 95%, những cây bị chết đã được cán bộ Dự án hướng dẫn nhân dân trồng dặm đảm bảo mật độ của mô hình.
 
Tuy nhiên do ảnh hưởng của băng tuyết đầu năm 2016, nhiều lá cây Atiso bị gẫy, dập, trên 60% số lá trên cây bị héo úa và dập nát, khoảng 15% số cây bị chết rét. Phòng NN&PTNT huyện đã báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ xin ý kiến chỉ đạo khắc phục. Tổ Dự án đã hướng dẫn các hộ dân tiến hành áp dụng các biện pháp chăm sóc để cây Atiso phục hồi (tỉa bỏ những lá bị dập nát, xới xáo phá váng, bón bổ sung phân bón)...
 
Đến ngày 21/4/2016 trên địa bàn huyện xảy ra mưa đá làm khoảng 20% số cây bị dập nát hoàn toàn không có khả năng phục hồi, số cây còn lại lá cũng bị dập nát khoảng 70%. Phòng NN&PTNT đã báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ xin ý kiến chỉ đạo khắc phục. Tổ Dự án đã hướng dẫn các hộ ngắt bỏ các lá bị dập nát, tỉa bỏ những cây bị dập nát không có khả năng hồi phục; xới xáo, phá váng. Sau khi cây ra lá mới, hướng dẫn các hộ bón bổ sung phân bón để cây nhanh hồi phục. Nhờ tích cực chăm sóc, khoảng 25 ngày sau khi kết thúc rét đậm, rét hại cây bắt đầu sinh trưởng phát triển bình thường trở lại; sau khi mưa đá kết thúc khoảng 35 ngày cây Atiso bắt đầu cho thu hoạch trở lại.
 
Theo quy trình kỹ thuật thì năm 2016 mô hình sẽ cho thu hoạch 3 loại sản phẩm là lá, hoa và củ, rễ. Nhưng do vào đúng thời điểm cây đang phân hóa mầm hoa trên địa bàn huyện xảy ra mưa đá làm dập nát đỉnh sinh trưởng, dù đã được chăm sóc phục hồi nhưng hầu hết các cây Atiso không thể ra hoa được nữa. Vì vậy cây không cho thu hoạch sản phẩm hoa.
 
Sau hai năm triển khai thực hiện Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây Atiso trên địa bàn huyện Mù Cang Chải”, nhìn chung cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng chống chịu và phục hồi tốt khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi (băng tuyết) vì vậy đã hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Năng suất mô hình trồng trên chân ruộng bậc thang trung bình đạt 29,08 tấn lá tươi/ha (nếu không bị ảnh hưởng của thiên tai thì năng suất của mô hình có thể đạt được 34 - 35 tấn lá tươi/ha).
 
Mô hình không cho thu hoạch sản phẩm hoa, sản phẩm thân và rễ chưa được thu hoạch nhưng chỉ tính riêng sản phẩm lá sau khi trừ chi phí đầu vào còn cho thu lãi trên 16 triệu đồng/ha. Nếu tính cả sản phẩm thân và rễ (ước tính khoảng 6,6 tạ thân, rễ khô bán với giá 50.000 đồng/kg) thì người trồng Atiso còn thu được lợi nhuận thêm khoảng 33 triệu đồng/ha.
 
So với các cây trồng nông nghiệp khác đang được gieo trồng trên địa bàn huyện, cây Atiso cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô, lúa khoảng 5 lần. Mức lợi nhuận trên là đang tính với sản phẩm sấy khô, nếu các hộ tham gia mô hình đầu tư nấu cao lá Atiso thì lợi nhuận thu được còn cao hơn như hộ ông Giàng Chứ Ly ở xã La Pán Tẩn nấu cao lá Atiso, trung bình 100kg lá tươi nấu được 3kg cao mềm, bán với giá 800.000 đồng/kg cao...

Kết quả thực hiện Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây Atiso trên địa bàn huyện Mù Cang Chải”, được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh nghiệm thu đánh giá đạt. Đây là cơ sở để huyện Mù Cang Chải, quảng bá các sản phẩm từ cây Atiso trồng tại địa phương, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ, khuyến khích các thành phần kinh tế vào huyện liên kết với nhân dân đầu tư trồng, chế biến các sản phẩm Atiso, giúp đồng bào vùng cao phát triển kinh tế xóa nghèo bền vững.

Cao Chính

Các tin khác
Mô hình vườn cây ăn quả đem lại thu nhập cao của chị Trần Thị Hoa (bên phải) ở thôn Bản Chanh..

YBĐT -Xã Phù Nham có trên 140 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm trở lên; trong đó, có trên 10 mô hình trồng cây ăn quả.  

Người dân xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu làm đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Trong 6 năm (2010 - 2016), triển khai Đề án Phát triển giao thông nông thôn (GTNT), toàn tỉnh đã kiên cố hóa 660 km đường bê tông; mở mới, mở rộng 1.326 km đường GTNT.

Thanh tra Giao thông, Sở GT - VT tỉnh Yên Bái kiểm tra tải trọng xe.

YBĐT - Những năm qua, ngành giao thông - vận tải (GTVT) đã thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe cũng như không ngừng nỗ lực tập trung nâng cao chất lượng quản lý phương tiện vận tải, đăng kiểm phương tiện, góp phần hạn chế sự xuống cấp của hạ tầng giao thông và giảm bớt tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn.

Cầu Bách Lẫm đang được khẩn trương thi công đưa vào sử dụng (ảnh phối cảnh).

YBĐT - Những năm gần đây, Yên Bái đã phát huy nội lực, huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, mạng lưới giao thông - vận tải (GTVT) trên địa bàn được đầu tư xây dựng với quy mô khá hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao với các địa phương trong vùng. Đây chính là một trong những động lực quan trọng để Yên Bái trở thành vùng đất lành về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục