Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/12/2017 | 8:03:36 AM

YBĐT - Năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra bão lũ liên tục và khốc liệt nhất với tổng cộng 21 đợt thiên tai. 

Công nhân Công ty TNHH Nghĩa Văn khắc phục các công trình thủy lợi sau lũ tại Trạm Tấu.
(Ảnh: Hà Tĩnh)
Công nhân Công ty TNHH Nghĩa Văn khắc phục các công trình thủy lợi sau lũ tại Trạm Tấu. (Ảnh: Hà Tĩnh)

Năm 2017 qua đi, bão lũ đã để lại nhiều hậu quả nặng nề với người dân Yên Bái không dễ gì khắc phục một sớm, một chiều. Hàng chục người chết, hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng bị phá hỏng và cuốn trôi, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị mất trắng, hàng ngàn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi. Ước thiệt hại kinh tế gần 2 ngàn tỷ đồng.

Có thể nói, năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra bão lũ liên tục và khốc liệt nhất với tổng cộng 21 đợt thiên tai. Trong đó, có 10 trận mưa lũ, lũ quét, 5 trận lốc xoáy, 2 trận mưa lớn và kéo dài gây sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng hoàn lưu của 4 cơn bão.
 
Thiên tai, bão lũ trong năm qua đã làm 36 người chết, 17 người mất tích và 33 người bị thương; bão lũ, lốc tố làm 3.649 ngôi nhà bị ảnh hưởng (168 nhà đổ, trôi hoàn toàn, 595 nhà di dời khẩn cấp do sạt lở, lũ quét, 2.886 nhà bị ngập nước, sạt taluy, trôi tài sản.
 
Sản xuất nông nghiệp thiệt hại 2.347 ha lúa, 2,46 ha mạ và trên 1.313 ha rau màu và hàng trăm héc-ta cây công nghiệp, cây ăn quả, trên 1.886 ha rừng; 1.410 con gia súc, trên 21.000 con gia cầm và trên 209 ha ao hồ và hàng chục lồng cá trôi theo dòng lũ. Bão lũ cũng đã phá hỏng 417 công trình thủy lợi, công trình cấp nước, hàng trăm điểm sạt lở và phá hỏng nhiều đoạn quốc lộ 32, quốc lộ 37 và đường tỉnh; 17 công trình giáo dục; 4 dự án thủy điện đã bị bồi lấp toàn bộ hồ chứa, hư hỏng nhiều hạng mục, tổ máy... 26 cột điện trung thế, 130 cột điện hạ thế bị đổ gãy và cuốn trôi... Ngoài ra, mưa lũ, sạt lở đất còn cuốn trôi và làm hư hỏng nhiều phương tiện máy móc, trang thiết bị, vật tư, vật dụng gia đình, trang thiết bị y tế, giáo dục... Tổng thiệt hại kinh tế ước trên 1.855 tỷ đồng.
 
Có thể kể đến một số trận thiên tai gây thiệt hại lớn về người và của trong năm như trận lũ quét kinh hoàng xảy ra sáng ngày 3/8/2017 ngay giữa trung tâm huyện Mù Cang Chải làm 15 chết và mất tích, 61 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn, 60 nhà với 342 người phải di dời khẩn cấp, 165 công trình bị hư hỏng và hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu và gia súc, gia cầm, của cải của các hộ dân trôi theo dòng lũ, ước thiệt hại trên 500 tỷ đồng.
 
Hay như ngày 9, 10, 11/10/2017 tại huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng, cường độ cao đã làm thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân...

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn xác định công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2006 đến nay, Yên Bái đã tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng 51 dự án di dân tập trung và bố trí xen ghép để sắp xếp ổn định cuộc sống và sản xuất cho các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
 
Trong đó, sắp xếp ở tập trung 1.899 hộ, bố trí ở xen ghép 387 hộ. Tổng nguồn vốn đầu tư đạt trên 335 tỷ đồng. Công tác chỉ đạo đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai, lũ quét, sạt lở đất đã được chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
 
Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, trong khi dân cư sinh sống không tập trung, nhiều cộng đồng dân cư làm nương rẫy xa nhà và thường ở lại nương thời gian dài nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai. Hiện tượng mưa to, lũ quét, sạt lở đất xảy ra bất thường, cường độ dữ dội hơn.
 
Việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chưa có dẫn tới các địa phương còn thụ động trong phòng chống. Việc tìm kiếm quỹ đất cũng như nguồn lực đầu tư cho di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn còn hạn chế... 
 
 
Thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải sau trận lũ quét tháng 8/2017.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, năm 2018, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới nhiều hơn, cường độ mạnh hơn và sẽ bất thường hơn. Do vậy, để công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tốt hơn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và kinh tế, trước tiên, các địa phương cần chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và làm tốt công tác cảnh báo sớm. Xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn  từ cơ sở với phương châm "4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời khắc phục khẩn trương có hiệu quả”.
 
Trong đó, lấy phòng ngừa làm chính. Công tác khắc phục hậu quả phải kết hợp với khôi phục và nâng cấp, bảo đảm theo quy hoạch phát triển bền vững của từng vùng và từng lĩnh vực. Trước mắt, các địa phương phải tổ chức giải phóng ngay các công trình kiến trúc và vật cản ở tất cả các khe suối. Tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả trang bị cho phòng chống thiên tai như thiết bị đo mưa đơn giản và tự động đã được lắp đặt tại các địa phương. Trồng và bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, quy hoạch dân cư hợp lý tránh lũ quét...

Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - Tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017 của huyện Văn Chấn đạt 32.911 triệu đồng.

Nông dân huyện Văn Yên làm đất gieo cấy lúa xuân.

YBĐT - Năm 2018, huyện Văn Yên phấn đấu gieo cấy 2.900 ha lúa nước và phấn đấu năng suất đạt 54,2 tạ/ha, sản lượng đạt gần 16.000 tấn. Đối với các xã vùng cao bố trí trên 70% diện tích gieo cấy lúa lai gồm: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, TH3-3, còn lại là giống lúa thuần: Hương chiêm, HT1, TRB225, Thiên ưu 8, J02…

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận xã Vĩnh Kiên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017

YBĐT - Ngày 26/12, UBND huyện Yên Bình tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã Vĩnh Kiên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Dự Lễ công bố có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo huyện Yên Bình cùng đông đảo bà con nhân dân xã Vĩnh Kiên.

Ảnh minh họa

Trong năm 2017 (tính đến ngày 20/12/2017), đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục