Phát triển bền vững cây ăn quả có múi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/12/2017 | 8:31:56 AM

YBĐT - Diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái liên tục tăng trong 5 năm gần đây với con số cụ thể: 1.131 ha, hơn 4.202 tấn của năm 2013 thì đến năm 2017 là 2.846 ha, gần 7.000 tấn. 

Đại Minh mùa bưởi chín.
Đại Minh mùa bưởi chín.


Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển cây ăn quả, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Quá trình này đã thiết thực chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp mà cây ăn quả có múi được xác định là nhóm cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cho thu nhập cao, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mớ

Tiềm năng to lớn

Diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái liên tục tăng trong 5 năm gần đây với con số cụ thể: 1.131 ha, hơn 4.202 tấn của năm 2013 thì đến năm 2017 là 2.846 ha, gần 7.000 tấn. Diện tích cây ăn quả có múi tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Chấn trên 1.300 ha, Yên Bình 653,63 ha, Lục Yên 464,70 ha, Trấn Yên 333,94 ha.
 
Các sản phẩm cam Đường canh Văn Chấn, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên… đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu cùng với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất bên cạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách của địa phương đã dần đưa diện tích vùng cây ăn quả có múi rộng mở, tạo nhiều việc làm cho lao động, ổn định và nâng cao thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn.
 
Việc sản xuất này chủ yếu thực hiện theo quy mô hộ gia đình trên cơ sở quỹ đất và năng lực lao động của các hộ. Ngoài ra, đã có một số mô hình hộ gia đình, nhóm hộ góp đất, vay vốn sản xuất theo quy mô trang trại, ứng dụng tốt các quy trình tiến bộ kỹ thuật, tạo ra vùng sản phẩm hàng hóa tập trung. Ở những vùng trọng điểm cây ăn quả có múi, không ít gia đình đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu và không ít nông hộ đã trở thành tỷ phú ngay trên đồng đất quê hương.
 
Đến nay, sản phẩm "Cam Văn Chấn”, "Bưởi Đại Minh”, "Cam Lục Yên” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Sự định danh này rộng mở thêm cánh cửa để các sản phẩm cây ăn quả có múi Yên Bái có cơ hội vươn xa hơn nữa, vượt ra ngoài thị trường trong tỉnh để đến với những thị trường rộng lớn hơn nhưng cũng nhiều đòi hỏi hơn, khắt khe hơn.
 
 Hiệu quả thực tế

Văn Chấn đang ở vị trí dẫn đầu về diện tích cây ăn quả cũng như cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái. Sản phẩm chủ yếu của huyện với cam, quýt tại địa bàn trọng điểm là 8 xã, 1 thị trấn vùng ngoài. Năm 2015, UBND huyện xây dựng Đề án phát triển vùng cam, quýt ở các xã, thị trấn vùng ngoài với mục tiêu trồng mới hơn 1.400 ha cam, quýt các loại, đến năm 2020 sẽ đạt tổng diện tích cam từ 2.500 ha trở lên, diện tích vườn sản xuất hàng hóa theo chuẩn VietGAP có 2.000 ha, giá trị sản xuất đạt 200 - 250 triệu đồng/ha, đảm bảo giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động địa phương.
 
Phát triển bền vững vùng cây ăn quả có múi, địa phương đã trồng đa dạng các giống cam để rải đều thời gian thu hoạch của vùng sản xuất, giảm áp lực cung cầu trong một thời gian ngắn như: giống chín sớm CS1, BH; giống chín chính vụ Xã Đoài, cam sành, Đường canh; giống chín muộn V2. Xác định nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn” mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, Văn Chấn đã cùng Lục Yên đi đầu thực hiện mô hình trồng cam an toàn VietGAP với diện tích 6,4 ha tại xã Thượng Bằng La trong năm 2015. Ngày 30/8/2017, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Cam an toàn Văn Chấn thành lập với 12 thành viên.
 
Đây chính là đơn vị đầu tiên vào giữa tháng 11/2017 đưa sản phẩm "Cam Văn Chấn” vào hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ tại Hà Nội của Tập đoàn VinGroup sau khi huyện phối hợp với các doanh nghiệp. Hiện nay, huyện Văn Chấn và Lục Yên đang triển khai thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất cam theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Văn Chấn và Lục Yên, tỉnh Yên Bái” từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2020.
 
Mục tiêu hướng tới

Yên Bái đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành các vùng cây ăn quả có múi trên 4.000 ha, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên trên 9.000 ha, tổng giá trị sản phẩm cây ăn quả các loại phấn đấu đạt trên 300 tỷ đồng/ năm.
 
Về mặt cơ chế, chính sách, tỉnh tiếp tục hỗ trợ trồng mới, cải tạo diện tích 2.300 ha cây ăn quả có múi gồm cam, quýt, bưởi. Hạn chế trong sản xuất cây ăn quả có múi ở Yên Bái như: sản xuất chủ yếu dựa trên quỹ đất từng hộ; chưa xây dựng được cơ sở chế biến hay bảo quản đơn giản; cơ cấu giống chưa đa dạng, thời gian thu hoạch quả thường tập trung vào chính vụ; chưa áp dụng phổ biến sản xuất an toàn VietGAP… cần tập trung giải quyết tốt.
 
Đáng quan tâm khi diện tích, sản lượng cây ăn quả có múi ngày càng tăng nhưng chỉ trông chờ thương lái mua bán buôn chiếm 65% sản lượng như hiện nay thì thị trường tiêu thụ rất khó khăn, chưa kể các tỉnh xung quanh Yên Bái đều có sản phẩm tương tự.
 
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tổ chức tại Yên Bái tháng 10/2017 về Chuyên đề "Giải pháp phát triển cây ăn quả có múi theo hướng an toàn, bền vững”, Tiến sĩ Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: "Yên Bái không phải ngoại lệ với xu thế tất yếu là cần phải xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cùng với thực hiện sản xuất hàng hóa theo chuẩn VietGAP, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để phát triển bền vững cây ăn quả có múi”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Nhà khang trang dưới chân đồi quế. Ảnh Quang Tuấn

YBĐT - Văn Yên được biết đến là "thủ phủ” của cây quế, nơi có diện tích quế lớn nhất cả nước với trên 23.000 ha. Ở đây, cây quế đã gắn bó nhiều đời như người "bạn tri kỷ”, là "lộc” của rừng góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Nhiều gia đình đã coi quế là thứ "vàng xanh” quý giá, là "của để dành” cho con cháu muôn đời sau.

Doanh nghiệp của Ấn Độ hợp tác sản xuất đá Cẩm Thạch tại huyện Lục Yên.

YBĐT - Nếu như năm 2016 Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 38 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 13.181 tỷ đồng thì trong năm 2017 Yên Bái đã có 44 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô, vốn đầu tư lớn của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tiềm năng như Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế  Chân - Thiện - Mỹ, các nhà đầu tư Hàn Quốc....

Cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên hướng dẫn các hộ dân thôn 12, xã Báo Đáp cách đốn tỉa, chăm sóc cây dâu.

YBĐT - Chương trình trồng dâu, nuôi tằm của huyện Trấn Yên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho 872 hộ thuộc 9 xã trong huyện; mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. 

YBĐT - Cùng với vùng chè, vùng tre măng Bát Độ, huyện Trấn Yên đã và đang hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả ở các xã phía Tây, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục