Tại điểm cầu Yên Bái, dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Năm 2017, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, bão lũ; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục đối mặt nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; năng lực sản xuất khá cao trong khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán... để đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy chủ trì cùng lãnh đạo các ngành dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Yên Bái.
GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%; giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016; cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sát sao; cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhiệt tình tham gia. Đến hết năm 2017, cả nước có 2.884 xã (chiếm 32,3%) và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 524 xã và 13 huyện so với năm 2016.
Năm 2018, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8- 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37 - 38 tỷ USD; cả nước có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2017, thành quả ấy đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nước ta chưa mạnh mẽ; năng suất lao động thấp; hạ tầng nông nghiệp, hệ thống thủy lợi xuống cấp, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp nước ta.
Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới ngành nông nghiệp và các địa phương đổi mới tư duy tổ chức sản xuất nông nghiệp, chú trọng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; cơ cấu lại chăn nuôi và trồng trọt; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sáng tạo, cách làm hay của các địa phương, đơn vị và bà con nông dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; tổ chức lại các ngành dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chặt chẽ phân bón, thuốc trừ sâu…
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, chú trọng nghiên cứu thị trường trước khi đưa vào sản xuất; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các địa phương cần chủ động, sáng tạo, tìm lợi thế để phát triển; quan tâm chăm lo Tết cho nông dân, nhất là những vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ trong năm 2017.
Mạnh Cường