Phong Dụ Thượng phát huy thế mạnh kinh tế

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/1/2018 | 1:41:48 PM

YBĐT - Đó là lợi thế của xã vùng cao, có diện tích đất đồi rừng lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây quế, chăn nuôi đại gia súc. 

Lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng tham quan vườn quế của gia đình chị Lương Thị Duyên ở thôn 1.
Lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng tham quan vườn quế của gia đình chị Lương Thị Duyên ở thôn 1.


Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên, xã Phong Dụ Thượng giao thông đi lại không thuận lợi, kinh tế chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Đồng thời, những năm trước đây, do trình độ dân trí thấp, nên khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn có hạn chế khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Để từng bước khắc phục hạn chế đó, xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, nâng cao giá trị kinh tế bằng cách phát triển cây trồng, vật nuôi thế mạnh.

Ông Lò Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hiện, xã không có mô hình kinh tế nào mới và nổi bật hay đề án phát triển cây trồng, vật nuôi quy mô lớn nhưng với lợi thế của xã vùng cao, có diện tích đất đồi rừng lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây quế, chăn nuôi đại gia súc nên địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác các thế mạnh đó để xóa đói, giảm nghèo”.
 
Hàng năm, cùng với xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hợp lý diện tích quế đã cho thu hoạch, xã còn vận động nhân dân chủ động ươm giống để trồng lại diện tích vừa khai thác và tích cực trồng mới, trồng dặm; trồng vào diện tích đất bỏ hoang, đất trồng cây khác kém hiệu quả. Hiện nay, xã có trên 17.000 ha rừng, chiếm gần 80% diện tích tự nhiên; trong đó, rừng sản xuất trên 5.200 ha (gần 2.000 ha rừng trồng, chủ yếu là quế, còn lại là cây lâm nghiệp khác, rừng khoanh nuôi sản xuất; trên 14.800 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng khoán bảo vệ...).
 
Năm 2017, diện tích quế của xã cho khai thác trên 150 ha, sản lượng đạt trên 600 tấn vỏ quế khô, tận thu trên 2.400 tấn cành lá và hàng nghìn mét khối gỗ quế, thu trên 20 tỷ đồng. Nhiều hộ vươn lên làm giàu, có cuộc sống khá giả nhờ phát triển quế.
 
Tham quan vườn quế của anh chị Ngô Văn Thành, Lương Thị Duyên ở thôn 1, chị Duyên cho biết: "Nhờ được bố mẹ cho đất nên hai vợ chồng tích cực phát dọn, ươm giống. Hiện nay, gia đình trồng được trên 5 ha quế từ 2 đến 4 năm tuổi và có khoảng 1,5 ha trên 15 năm tuổi”.
 
Những năm mới trồng quế, anh Thành, chị Duyên gặp nhiều khó khăn về giống, nhân lực làm cỏ, chăm sóc nhưng với tinh thần lao động chăm chỉ, chịu khó nên hiện nay diện tích trồng trước đã bắt đầu cho tỉa cành lá. Từ trồng quế kết hợp làm ruộng, chăn nuôi, chi tiêu hợp lý nên vợ chồng anh Thành đã mua được ô tô tải phục vụ nhu cầu chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng của bà con địa phương.

Về nông nghiệp, xã chỉ đạo nhân dân gieo cấy trên 360 ha lúa nước cả năm, chủ yếu bằng các giống lúa lai và cho năng suất bình quân đạt trên 47 tạ/ha, tổng sản lượng thóc đạt trên 1.682 tấn; trồng trên 200 ha ngô cả năm, sản lượng đạt 1.077 tấn cùng nhiều diện tích rau màu, sắn... Đi đôi với trồng rừng, sản xuất nông nghiệp, nhân dân còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số hộ nuôi lợn, gà, vịt theo hướng sản xuất hàng hóa.
 
Anh Lò Văn Duyên ở thôn 2 tâm sự: "Hai năm trước, tôi nuôi bình quân 40 con lợn thịt/lứa, nhưng năm nay do giá lợn xuống thấp nên giảm xuống còn một nửa và tôi chuyển sang trồng rừng, nuôi gia cầm, làm dịch vụ tạp hóa”.
 
Để chăn nuôi thuận lợi, xã đặc biệt quan tâm công tác thú y để phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng cỏ, tận dụng rơm rạ dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông... nên đàn gia súc, gia cầm phát triển khá ổn định; trong đó, tổng đàn trâu trên 1.800 con, bò trên 145 con, lợn 5.800 còn và 33.300 con gia cầm các loại.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân Phong Dụ Thượng từng bước được nâng lên. Thu nhập đầu người năm 2017 của xã đạt trên 18,5 triệu đồng/người/năm; giảm hộ nghèo từ gần 60% xuống còn 54,1% và có hàng chục hộ mới vươn lên khá giàu.

Châu Á

Các tin khác
Sẽ xử phạt ôtô dừng, đỗ quá 5 phút ở trạm phí BOT từ hôm nay (25/1).

Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các nhà đầu tư BOT, Cục cao tốc, các Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành yêu cầu chủ đầu tư lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm thu giá và phải hoàn thành trước ngày 25/1.

Người dân xã Phù Nham tích cực chuẩn bị thức ăn, che chắn chuồng trại cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

YBĐT - Ngay đầu vụ đông 2017 - 2018, UBND huyện Văn Chấn đã có kế hoạch chi tiết về phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do gia súc chết vì đói, rét, dịch bệnh.

Trong khoang xe ô tô của Agribank huyện Yên Bình được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo giao dịch bình thường.

YBĐT - Xã Đại Minh, huyện Yên Bình chưa có bất cứ một phòng giao dịch nào. Tất nhiên, càng không thể có cây ATM, nhưng trong chuyến đi công tác của chúng tôi về vùng đặc sản bưởi đã thực hiện thành công giao dịch rút tiền từ tài khoản mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) nhờ một dịch vụ mới mẻ và tiện ích, đó là điểm giao dịch lưu động mà Ngân hàng này vừa đưa vào thực hiện.

Giá bán lẻ xăng E5RON92 đang thấp hơn nhiều so với giá bán xăng RON95.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diễn biến tình hình giá xăng dầu trong tháng 1/2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục