Nỗ lực khôi phục thiệt hại thiên tai để sản xuất

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/3/2018 | 8:09:21 AM

YBĐT - Năm 2007 đi qua để lại nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là năm Yên Bái phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai khốc liệt diễn ra trên khắp các địa phương trong tỉnh. Bởi vậy, nhiều địa phương đang phải gồng mình khôi phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trước mắt cũng như lâu dài. 

Lực lượng vũ trang và nhân dân cùng khắc phục hậu quả thiên tai.
Lực lượng vũ trang và nhân dân cùng khắc phục hậu quả thiên tai.


Có thể nói, trong năm 2017 và những ngày đầu năm 2018 Yên Bái bị ảnh hưởng thiên tai rất nặng nề nhất với 10 trận mưa lũ, lũ quét, 5 trận lốc xoáy, 2 trận mưa lớn sạt lở đất, 4 đợt bị ảnh hưởng hoàn lưu bão.
 
Đặc biệt, hai đợt thiên tai xảy ra trong tháng 8 tại huyện Mù Cang Chải và tháng 10 tại huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ làm thiệt hại nặng nề về người, nhà, tài sản, hoa màu của Nhà nước và nhân dân.
 
Thiên tai làm 37 người chết, 16 người mất tích, bị thương 33 người; thiệt hại 3.649 ngôi nhà; thiệt hại 2.347 ha lúa, 1.313 ha rau màu, 2 ngàn con gia súc, trên 21 ngàn con gia cầm và gần 2 ngàn ha rừng. Về cơ sở hạ tầng thiệt hại 417 công trình thủy lợi , 15.391 m kè, 99 công trình giao thông... trị giá thiệt hại trên 1.855 tỷ đồng.
 
Dẫu là một tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Yên Bái đã dốc hết các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân. Tính đến hết tháng 2/2018, được sự quan tâm của Trung ương, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và huy động mọi nguồn lực của tỉnh với số tiền trên 404 tỷ đồng.
 
Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chỉ đạo và sử dụng kịp thời, hiệu quả các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai nhằm sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân bị thiên tai gây ra. Hỗ trợ an sinh xã hội trên 72 tỷ đồng, gồm hàng trăm tấn gạo, nhu yếu phẩm và tiền mặt.
 
Toàn tỉnh có 763 nhà bị đổ sập hoàn toàn và phải di dời khẩn cấp (168 nhà sập đổ hoàn toàn, 595 nhà phải di dời) đến nay, đã làm mới và dựng xong 562 nhà (168/168 nhà đổ sập, 394/595 nhà phải di dời). Số nhà còn lại 2.886 nhà, trong đó có 1.210 hộ cần bố trí tái định cư cấp bách trước mùa mưa lũ 2018, UBND tỉnh đã có tờ trình các cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án tái định cư cấp bách với số vốn trên 417 tỷ đồng, số hộ còn lại sẽ tiếp tục nghiên cứu bố trí tái định cư giai đoạn tiếp theo.
 
Trong khôi phục sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giống vật nuôi đã hỗ trợ, khắc phục thiệt hại về lúa, hoa màu 2.960 ha, 26.546 con gia súc, gia cầm, 350 ha thủy sản và 2.515 lồng m3 lồng nuôi cá, khôi phục ruộng bị vùi lấp 28 ha. Đối với khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là các công trình thủy lợi với tổng nguồn vốn 315 tỷ đồng. Hiện nay, các công trình thủy lợi nhỏ, hư hỏng nhẹ đã cơ bản được khắc phục và đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Đối với các công trình lớn hư hỏng nặng tỉnh Yên Bái đã và đang tiếp tục sửa chữa, nâng cấp.

Có thể nói, những cố gắng dốc toàn lực cho khắc phục hậu quả thiên tai là rất đáng trân trọng. Bước đầu đã ổn định đời sống nhân dân và ổn định sản xuất. Tuy nhiên, với những thiệt hại nặng nề, Yên Bái vẫn còn nhiều khó khăn và cần tiếp tục tăng cường các nguồn lực để đầu tư sửa chữa, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.
 
Song song với khôi phục, cần đẩy mạnh công tác quản lý các công trình xây dựng cơ bản và phòng chống lũ lụt. Trước mắt, cần tiếp tục phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, các địa phương phải tổ chức giải phóng ngay các công trình kiến trúc và vật cản... ở tất cả các khe suối trước mùa mưa 2018. Sử dụng có hiệu quả các thiết bị cho phòng chống thiên tai. Hơn ai hết, mỗi người dân cần chủ động các tình huống ứng phó thiên tai để giảm thiểu tối đa về người và tài sản.

Ngọc Trúc

Các tin khác

YBĐT - Trong 2 tháng đầu năm 2018, đặc biệt là trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định của pháp luật trong kinh doanh.

YBĐT - Theo ông Lảo Chang Páo - Trưởng bản Háng Cơ, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải: những con gia súc được phát hiện bị mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) đầu tiên là của các hộ gia đình ông Lảo A Giàng, ông Giàng A Lử và bà Thào Thị Pằng ở bản này.

Ảnh minh họa

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) , tính đến năm 2030, GDP của Việt Nam ước tăng 1,1%. Nếu đạt mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP ước tính lên tới 3,5%.

Cơ sở sản xuất rau sạch công nghệ cao bằng phương pháp thủy canh, theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Bảo Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.

Việc chuyển đổi đất trồng lúa 2 vụ sang đất trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao ở Ninh Bình bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục