Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/3/2018 | 1:58:37 PM

YBĐT - Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) thuộc tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam được triển khai tại hai xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên và Phú Thịnh, huyện Yên Bình năm 2015.

HTX Quế hồi Việt Nam có trụ sở tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HTX Quế hồi Việt Nam có trụ sở tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau 3 năm thực hiện, Chương trình đã vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất rừng và trang trại liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tại huyện Yên Bình, HND tỉnh phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đã tham mưu với tỉnh triển khai thí điểm Chương trình Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC. Để được cấp chứng chỉ FSC, rừng phải được chứng nhận đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới cấp.
 
HND tỉnh đã chỉ đạo HND huyện Yên Bình phối hợp khảo sát, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân trồng rừng tham gia quản lý rừng bền vững và xây dựng chứng chỉ FSC. Tổ chức liên kết 494 hộ nông dân trồng rừng; thành lập 31 tổ, nhóm tại 5 xã, thị trấn thực hiện quản lý, sản xuất rừng bền vững.
 
Từ cuối năm 2016 đến nay, Hội đồng Quản lý Rừng thế giới đã cấp chứng chỉ FSC cho 1,737,5 ha rừng tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với thời hạn 5 năm. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) Bình Minh từ tổ hợp tác thôn Lem, liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ tiêu chuẩn, có chứng chỉ CoC để có thể tiêu thụ gỗ FSC cho các tổ, nhóm nông dân trên địa bàn huyện.
 
Tại huyện Trấn Yên, HND tỉnh phối hợp với cấp huyện đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên hình thành hướng đi mới về phát triển quế hữu cơ với sự liên kết sản xuất bền chặt và hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp. HTX Quế hồi Việt Nam ra đời từ sự liên kết hợp tác giữa các tổ nhóm trồng quế tại xã Đào Thịnh với Công ty Quế hồi Việt Nam - VinaSamex với 22 xã viên.
 
Hiện nay, HTX đang triển khai dự án sản xuất và xuất khẩu quế với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng; tập trung xây dựng vùng quế hữu cơ có chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế; tạo việc làm thường xuyên cho từ 50 - 100 lao động địa phương; bao tiêu được sản phẩm, dịch vụ cho vùng trồng quế Đào Thịnh và cả các xã lân cận.
 
Ông Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch HND tỉnh cho biết: "Từ những hoạt động xây dựng thương hiệu, chứng nhận sản phẩm, các sản phẩm của hội viên nông dân đã có khả năng tham gia vào thị trường, tăng thêm thu nhập từ 5 - 10%. Đặc biệt, đối với những HTX xây dựng được hoạt động chế biến, thu nhập của các hộ tham gia tăng trung bình 10 - 20%. Bên cạnh đó, HND các cấp trong tỉnh đã chủ động xây dựng các mô hình trồng bưởi, nuôi ong dưới tán rừng FSC; trồng cây ba kích ven đồi quế”.

Với mục tiêu giúp các hội viên nông dân sản xuất rừng và trang trại, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, sinh kế và thu nhập được cải thiện… HND tỉnh đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ và quyết liệt.
 
Theo đó, Hội đã tổ chức tập huấn kỹ năng phân tích thị trường và phát triển kinh doanh; nâng cao trình độ tin học cho 350 hội viên nông dân; tổ chức 6 buổi thảo luận nhóm trọng tâm, 12 hội nghị thường niên giữa HND và các tổ, nhóm, HTX; tổ chức đoàn tham quan, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trồng rừng bền vững FSC tại Quảng Trị, Hòa Bình; tham quan HTX nuôi ong mật ở Thái Nguyên; HTX chăn nuôi hươu ở Hà Tĩnh, mô hình trồng rau hữu cơ ở Sóc Sơn (Hà Nội), các cơ sở chế biến gỗ, gia vị, dược liệu ở Bắc Cạn, Bắc Giang, Hưng Yên…

Để phát huy tốt hơn vai trò của các cấp HND trong vận động, hỗ trợ nông dân, HND tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp; triển khai thực hiện tốt Đề án của HND tỉnh về phát huy vai trò của HND trong xây dựng, phát triển kinh tế tập thể; hoàn thành khảo sát 9 nhóm hộ để chỉ đạo làm điểm các chi tổ hội nghề nghiệp.
 
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, nhất là hỗ trợ về vốn thông qua các chương trình ủy thác, tín chấp với ngân hàng; đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; tổ chức sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng và tuyên truyền nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả gắn với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Mai Linh

Các tin khác

YBĐT - Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 21 đợt thiên tai, 4 đợt bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

Hình ảnh tại lễ công bố chỉ số PCI 2016.

Ngày 22/3/2018, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017.

Đồng bào Dao thôn Đồng Tâm, xã Phúc An đan rọ tôm.

YBĐT - Những năm gần đây, tại các vùng quê, phong trào phát triển làng nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cán bộ Chi cục Thuế thị xã Nghĩa Lộ triển khai thu ngân sách quý I, năm 2018.

YBĐT - Trong 2 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, các tổ chức, đoàn thể, cùng với sự hợp tác của các tổ chức, cá nhân người nộp thuế, nhiệm vụ công tác thuế đã đạt được kết quả khả quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục