Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển cây ăn quả, trong đó cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi được xác định là nhóm cây trồng chủ lực, có khả năng mang lại thu nhập cao, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Giúp nhân dân tiếp thu, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hệ thống khuyến nông đã tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ kĩ thuật về cây ăn quả có múi, đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình trình diễn.
Xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông là một nhiệm vụ quan trọng cùng với công tác tập huấn kỹ thuật về cây ăn quả có múi cho nhân dân. Nông dân sẽ trực tiếp được tiếp thu kỹ thuật, kỹ năng canh tác, hưởng lợi từ mô hình. Mặt khác, kết quả trình diễn khuyến nông có tác động trực quan tới cộng đồng dân cư nơi xây dựng mô hình và những khu vực xung quanh.
Hệ thống khuyến nông và các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện và phối hợp thực hiện với các trung tâm nghiên cứu, viện, trường để xây dựng gần 100 điểm trình diễn khuyến nông về cây ăn quả có múi trong những năm gần đây. Người dân thông qua đó đã áp dụng nhân ra diện rộng từ nhiều mô hình đạt hiệu quả cao.
Có thể kể tới mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh và kết hợp nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững” triển khai thực hiện năm 2015 tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Mô hình này có quy mô 2 ha bưởi và 75 đàn ong mật.
Kết quả mô hình cho thấy, so với vùng ngoài mô hình, năng suất bưởi Đại Minh đạt hơn 21 tấn/ha, tương ứng theo tỉ lệ là tăng từ 10% - 15% và sản lượng mật ong đạt khoảng 780 lít/năm.
Hiệu quả của mô hình thực sự góp phần thay đổi nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất của nhân dân địa phương. Nhiều hộ gia đình đã áp dụng thực hiện mô hình đạt hiệu quả, có thêm việc làm, có thu nhập ổn định.
Đối với cây cam, năm 2011 - 2014, mô hình trồng giống cam chín muộn V2 ở thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn có qui mô 3 ha. Cây cam của mô hình đảm bảo sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt trên 10 tấn/ha. Người dân trong vùng đã nhân rộng sản xuất khi nhận thấy hiệu quả rõ nét với sản phẩm cam quả có vỏ mỏng, ít hạt, mọng nước, vị ngon. Năm 2015, trên địa bàn xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên thực hiện mô hình trồng thử nghiệm giống cam không hạt LD06 với diện tích 1 ha.
Qua thử nghiệm, cây cam ít bị sâu bệnh hại và sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, tại một số địa phương đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng vườn ươm cây ăn quả có múi bằng phương pháp ghép như: thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn trồng 50 cây đầu dòng giống cam Đường canh, V2, CS1 và gieo ươm 30.000 cây ghép gốc; ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên và xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên có 30.000 cây giống cùng với tập huấn, hướng dẫn 20 hộ thực hiện thành thạo kỹ thuật ghép, chăm sóc cây con trong vườn ươm kết hợp tư vấn bình tuyển 5 cây cam sành đầu dòng.
Bên cạnh sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bằng nguồn lực của chính các gia đình đã xây dựng được nhiều mô hình cây ăn quả như: bưởi Đại Minh, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, cam sành, cam sen… và các mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, mang lại thu nhập cao mỗi năm, là nguồn thu chính của nông hộ. Cùng với xây dựng thành công các mô hình trình diễn khuyến nông, hàng năm, có hơn 1.800 lượt nông dân các địa phương tham gia trên 30 cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ, trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Chuyển biến tích cực về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh và sản xuất theo hướng bền vững, sản phẩm cây ăn quả có múi của Yên Bái đã tăng dần từng năm cả về năng suất, sản lượng, chất lượng chính là có phần đóng góp tích cực từ thành công của các mô hình trình diễn khuyến nông.
Nguyễn Thơm