Yên Bái: Cho một vụ chè bội thu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/5/2018 | 1:56:57 PM

YBĐT - Kết thúc niên vụ sản xuất kinh doanh chè 2017, toàn tỉnh thu hái được gần 80.000 tấn chè búp tươi (giá chè trung du từ 3.200 - 3.500 đồng/kg; chè lai LDP1, LDP2 từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, giá chè Shan vùng cao, chè nhập nội bình quân từ 12.000 - 20.000 đồng/kg), giá trị đạt trên 320 tỷ đồng.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn và Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, thu hái chè đúng kỹ thuật tạo năng suất cao.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn và Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, thu hái chè đúng kỹ thuật tạo năng suất cao.


Mặc dù diện tích chè có giảm do chuyển đổi mục đích và quy hoạch xây dựng công trình phúc lợi, nhưng nhờ có sự tập trung đầu tư chăm sóc nên diện tích chè sinh trưởng phát triển khá tốt. Đối với vùng chè Nghĩa Lộ, do có đầu tư thâm canh cao nên năng suất chè đã đạt 20 - 25 tấn/ha, vùng chè do doanh nghiệp quản lý năng suất bình quân 12 - 15 tấn/ha.
 
Các doanh nghiệp đã chế biến đạt gần 16.000 tấn chè khô các loại, trong đó chè đen trên 13.000 tấn còn lại là chè xanh nội tiêu và xuất khẩu. Giá trị sản phẩm qua chế biến đạt trên 350 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 25 tỷ đồng.
 
Đáng chú ý là có khá nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu trực tiếp được gần 2.000 tấn, xuất ủy thác gần 1.500 tấn, góp phần đưa giá trị kim ngạch toàn tỉnh lên trên 105 triệu USD. Sản phẩm chè của Yên Bái đã cơ bản đáp ứng được thị trường, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm đảm bảo theo các yêu cầu của nhà nhập khẩu và cả thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu và Đài Loan nhưng người sản xuất, doanh nghiệp vẫn cần đặc biệt chú trọng hơn nữa về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm đi vào những thị trường khó tính.
 
Một số doanh nghiệp cũng đã quan tâm cải tạo, liên kết phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước như: Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, Công ty cổ phần Chè Trần Phú, Công ty TNHH Chè Bình Thuận, Công ty TNHH Chè Hữu Hảo, Công ty TNHH Chè Hưng Thịnh...

Phát huy kết quả đã đạt được, trong niên vụ chè 2018, Yên Bái sẽ tiếp tục ổn định diện tích chè nguyên liệu trên 8.500 ha, tiếp tục trồng mới diện tích chè Shan vùng cao, cải tạo chè già cỗi vùng thấp và tiếp tục đưa năng suất chè bình quân lên trên 95,57 tạ/ha.
 
Mục tiêu đó không phải là quá khó, nhưng đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp, nông dân cần áp dụng đồng bộ các  giải pháp từ trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và sau chế biến, bởi ngoài những thuận lợi cơ bản thì sản xuất, kinh doanh chè vẫn dự báo có những khó khăn nhất định. Thị trường ngày một thu hẹp, đòi hỏi về chất lượng ngày một cao, nhất là những thị trường khó tính.
 
Vấn đề nữa là, chúng ta ngày một hội nhập kinh tế thế giới, nhất là Việt Nam vừa là một trong 11 nước thành viên của hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan thì doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Cùng với đó, còn chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... là những yếu tố tác động đến sản xuất kinh doanh chè 2018. Để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh, trước tiên cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối liên doanh, liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Tiếp tục sắp xếp các cơ sở chế biến phù hợp quy hoạch; đồng thời, đổi mới nâng cao công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục trồng mới chè vùng cao bằng giống chè shan, cải tạo giống chè già cỗi vùng thấp bằng giống tiến bộ.
 
Với mục tiêu tăng năng suất chè để đạt bình quân 10 tấn/ha, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp cùng các địa phương, đơn vị chế biến tập trung thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần tập trung theo 3 loại hình sản xuất với nhóm sản phẩm cụ thể: các kỹ thuật và mức đầu tư thâm canh có áp dụng cơ giới hóa đối với các vùng sản xuất chè đen xuất khẩu; các kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng đối với sản xuất chè xanh nội tiêu theo quy mô nông hộ; các kỹ thuật, đầu tư thâm canh đối với diện tích chè shan vùng cao. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả trong thâm canh như: đốn, hái đúng thời vụ, tủ gốc giữ ẩm, trồng cây che bóng và tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh cho cây chè.
 
Đặc biệt, cần quan tâm và thực hiện tốt quy trình chăm sóc đối với diện tích chè thu hái bằng máy, đảm bảo hái đúng kỹ thuật, phẩm cấp chè, không hái quá sâu ảnh hưởng đến chất lượng nương chè. Điều tiết sản lượng thu hái để đảm bảo chất lượng nguyên liệu và cung cấp ổn định cho chế biến.
 
Tiến hành đào tạo và đào tạo lại về kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, quản lý nương chè cho một số cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông tại các vùng sản xuất chè trọng điểm, từ đó, nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết cung cấp dịch vụ kỹ thuật giữa cán bộ khuyến nông - cơ sở chế biến - hộ trồng chè. Hướng dẫn các hộ trồng chè liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các chứng nhận nông nghiệp khác và ký hợp đồng liên kết với các cơ sở chế biến.
 
Để nâng cao chất lượng nguyên liệu chè búp tươi thì chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị chế biến chè trên địa bàn tích cực tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ trồng chè áp dụng nguyên tắc "4 đúng”, áp dụng quy trình IPM trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và nông dân cùng với áp dụng đồng bộ các giải pháp chăm sóc, chế biến, chắc chắn sản xuất kinh doanh chè năm 2018 sẽ thành công với mục tiêu đề ra .

Ngọc Trúc

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay một số địa phương giáp ranh như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên và huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) đã có dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra và diễn biến dịch bệnh rất phức tạp. Vì thế, nguy cơ lây lan sang đàn gia súc trên địa bàn huyện Văn Chấn là rất cao.

YBĐT - Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã trở thành nguồn vốn hiệu quả giúp nhiều hội viên ở huyện Lục Yên có điều kiện phát triển kinh tế. Cũng từ nguồn quỹ này, các hội viên được vay vốn đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hệ thống bảng lương mới sẽ được ban hành theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân tích rủi ro, lập kế hoạch thanh tra với các đơn vị bán hàng theo phương thức đa cấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục