Trong khi nông sản dư thừa, giá xuống thấp, các cuộc giải cứu liên tiếp diễn ra, thì nước ta vẫn phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu nông sản về tiêu thụ. Nghịch lý này xuất phát từ những nguyên nhân nào và cần giải pháp gì để giải quyết hiệu quả?
"Chỉ bán cái mình có..."
Chị Nguyễn Thị Hương (xã viên Hợp tác xã Rau an toàn Vân Nội, Đông Anh) chia sẻ: Trồng rau an toàn cực nhọc ngay từ khâu chăm sóc, vì phải tuân thủ đúng các quy định như phải ghi chép đầy đủ, sử dụng thuốc theo danh mục cho phép, cách ly trước khi thu hoạch đúng thời gian ghi trên bao bì... Kết quả, sau 45 ngày chỉ cho ra được 4kg rau/m2. Trước đây chỉ cần tốn 10.000 đồng mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi và phun xịt theo tập quán, luống rau vẫn luôn xanh tươi, sản lượng cao gấp 3 lần so với rau an toàn.
Thêm nữa, rau an toàn bán với giá cao nên khó tiêu thụ, còn rau không an toàn giá thành thấp hơn, nhiều người mua. Từ thực tế đó, người nông dân không mặn mà với việc sản xuất rau quả an toàn, mà chỉ cần trồng theo lối cũ, vừa đỡ vất vả, sản lượng lại cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn.
Đây là thực tế trả lời một phần cho câu hỏi vì sao nông sản nội địa thua nông sản nhập khẩu trên "sân nhà” trong khi có lợi thế về giá thành, chi phí vận chuyển, lợi thế tiếp cận thị trường. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Đa số nông hộ chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm lâu dài.
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít hộ, hợp tác xã chưa nhận thức được chỉ có sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… mới tồn tại bền vững, nên vẫn còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, chữ tín với các doanh nghiệp phân phối...
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội), tiêu thụ nông sản ngoài các vấn đề về thị trường, về giá trị sản xuất thì cần minh bạch về thông tin để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, từ đó biết đâu là sản phẩm được sản xuất đúng quy trình, có giá trị cao.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Phương Lan cho biết: Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam mới làm được một phần nhỏ, với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Saigon Co.op, VinEco, Big C…, còn đại đa số nông sản không rõ nguồn gốc. Chỉ khi nào truy xuất được nguồn gốc thì giá trị nông sản mới nâng lên và người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ mới có được giá trị gia tăng từ sản phẩm an toàn.
Xu thế tất yếu
Việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tại thị trường trong nước, cũng như đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững trong thời gian tới đang là bài toán đặt ra đối với ngành Công Thương.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, việc nông dân mở rộng quy mô sản xuất liên tiếp, tràn lan, không theo quy hoạch khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường. Từ đó, tạo sức ép lên giá cả trong nước, gây nhiều khó khăn và áp lực cho vấn đề tiêu thụ nông sản.
Khẳng định chuỗi cung ứng nông sản là con đường để nông dân tiếp cận thị trường, tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, vấn đề lớn nhất của nông sản Việt Nam là không có thương hiệu do chúng ta chủ yếu xuất khẩu hàng thô... Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước đã khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn về chất lượng cũng như mẫu mã...
Thực tế cho thấy, để có nền nông nghiệp tiên tiến và sản phẩm sạch, số lượng lớn, rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Điển hình, từ cuối năm 2016, Công ty VinEco đã tiên phong trong việc liên kết nông dân để sản xuất nông sản sạch.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Với chương trình liên kết 1.000 hộ sản xuất, VinEco đã hướng dẫn các hộ sản xuất về quy trình sản xuất rau an toàn, thu mua tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục chứng nhận VietGap và hỗ trợ tài chính. Các nông hộ tham gia ký kết sẽ được kiểm soát quá trình sản xuất để bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất thông qua đội ngũ kỹ thuật "nằm vùng”. Ngoài ra, công ty còn bảo đảm thu mua đúng quy trình, giá cả một cách ổn định nhất.
Trong những năm qua, Hà Nội đã tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm với các hợp tác xã, hộ sản xuất, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu vào và đầu ra. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm lợi thế của các huyện ngoại thành như rau, củ, quả, gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn… phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, hầu hết đã có mặt trên thị trường Hà Nội.
Tuy nhiên, để tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tin tưởng đầu tư tài chính, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm đạt chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản thực phẩm Thủ đô, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành cơ sở pháp lý về việc xây dựng, vận hành và quản lý chuỗi.
Bên cạnh đó là có các cơ chế, chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đứng ra tổ chức những chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Có như vậy nghịch lý "giải cứu" và nhập khẩu nông sản mới dần được giải quyết...
(Theo HNMO)