Với vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, Trạm đã khắc phục khó khăn về con người, phương tiện thực hiện nhiều biện pháp giữ rừng.
Xuất phát từ quan điểm giữ rừng phải dựa vào người dân, Trạm đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu với UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, kiện toàn các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với hơn 1.000 người tham gia.
Giao toàn bộ diện tích rừng phòng hộ và tự nhiên sản xuất cho 500 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến các hộ dân.
Đặc biệt, các cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với trưởng thôn, già làng, trưởng bản những người có uy tín ở các xã thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân trong thôn, bản không phá rừng làm nương rẫy, không tiếp tay cho "lâm tặc". Nhờ vậy, ý thức giữ rừng của người dân nâng lên đáng kể, người dân cùng cán bộ kiểm lâm tham gia giữ rừng.
Cùng với tuyên truyền, Trạm thường xuyên xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, điều động cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với các tổ, đội bảo vệ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh; phối hợp với nhân dân nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các tụ điểm chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép.
Qua đó, trong 4 tháng của năm 2018, đơn vị đã phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó, có 5 vụ cất giữ lâm sản trái phép, 3 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tạm giữ hơn 0,5 m3 gỗ xẻ nhóm IIa ; 0,7 m3 gỗ xẻ nhóm 6; 7,82 m3 gỗ tròn nhóm 6, tạm giữ 2 xe máy.
Mặc dù có nhiều cố gắng, tuy nhiên, theo đánh giá của Trạm Kiểm lâm Bản Dõng, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn các xã vùng thượng huyện Văn Chấn còn gặp không ít khó khăn do hầu hết diện tích rừng phân bố trên địa bàn các xã tập trung số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn hạn chế, tập quán sản xuất đốt nương làm rẫy của người dân chưa được loại bỏ nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Ở một số địa phương tình trạng phát phá rừng vẫn còn diễn ra và mới đây, đơn vị này đã kiểm tra, xác minh thực tế, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 16 hộ phát phá rừng tại thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành, tổng số diện tích thiệt hại là 89.209 m2.
Ông Lại Thanh Bình - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bản Dõng cho biết, để giữ rừng hiệu quả, thời gian tới, Trạm tiếp tục phối hợp cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho các chủ rừng, tổ đội quần chúng bảo vệ ở các xã; chủ động tham mưu với UBND các xã, ban hành phương án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
"Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như khoanh vùng các khu vực dễ xảy ra cháy rừng và đề ra các phương án phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp với UBND các xã chỉ đạo các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái phép; rà soát, thống kê các đối tượng thường xuyên vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để có biện pháp ngăn chặn" - ông Bình chia sẻ.
Văn Thông