Năm 2016, bội chi ngân sách nhà nước 248.728 tỷ đồng
- Cập nhật: Thứ hai, 21/5/2018 | 5:05:41 PM
Đây là nội dung trong báo cáo của Chính phủ về Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.
Toàn cảnh phiên họp buổi chiều ngày 21/5/2018
|
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 và Nghị quyết số 330/NQ-UBTVQH14 ngày 04/01/2017, mức bội chi NSNN được quyết định là 254.233 tỷ đồng, so với GDP dự toán 5.130.000 tỷ đồng, bằng 4,95% GDP; so với GDP thực hiện 4.502.733 tỷ đồng, bằng 5,65% (GDP thực hiện thấp hơn dự kiến khi xây dựng kế hoạch thu, chi NSNN là 627.267 tỷ đồng, nên làm tăng tỷ lệ bội chi tương ứng là 0,7%). Quyết toán số bội chi là 248.728 tỷ đồng, giảm 5.505 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định (vốn trong nước giảm 835 tỷ đồng; vốn ngoài nước giảm 4.670 tỷ đồng theo tinh thần tiết kiệm của Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ tháng 9/2016); bằng 5,52% GDP thực hiện.
Đánh giá về kết quả bội chi NSNN năm 2016, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội - cho hay, số liệu cho thấy, năm 2016, số bội chi đã thấp hơn nhưng do GDP không đạt kế hoạch nên tỷ lệ bội chi vẫn vượt mức Quốc hội cho phép (4,95% GDP). Chính phủ cần quan tâm điều hành để kiểm soát bội chi các năm sau bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP.
Chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả
Đánh giá về chính sách tài khóa năm 2016, ông Nguyễn Đức Hải cho hay, cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020; việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng; loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu - ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách trung ương (NSTW) hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho 7 địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu. Đồng thời, nếu không có khoản tăng thu sử dụng đất từ sắp xếp, xử lý nhà đất của các cơ quan trung ương 9.262 tỷ đồng là khoản thu có mục tiêu, ghi thu - ghi chi qua ngân sách nhưng đã sử dụng giải pháp tình thế nộp vào NSNN để bù đắp hụt thu thì thực chất NSTW hụt thu cân đối 10.660 tỷ đồng và chỉ đạt 98,21% dự toán.
Việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu NSTW vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng. Cụ thể, chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi NSNN nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,5%. Đây cũng là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập.
Vẫn còn khoản chi NSNN chưa sát thực tế
UBTCNS thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng; Bội chi NSNN là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP. |
Các tin khác
Kết quả kiểm toán việc quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP của Bộ Giao thông – Vận tải vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố đã chỉ ra hàng loạt điểm bất hợp lý trong việc triển khai các dự án BOT giao thông.
YBĐT - Với chủ trương phát triển du lịch trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế, huyện Mù Cang Chải đã khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, gắn phát triển du lịch với bảo tồn cảnh quan, danh thắng theo hướng bền vững.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khuyến cáo, các khách hàng khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu (chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên), để vừa đảm bảo tiết kiệm điện, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
Tối 20/5, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946-22/5/2018) với chủ đề Chung tay vì một xã hội an toàn trước thiên tai. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự.