Để bảo đảm mục tiêu, kế hoạch đề ra các địa phương, bà con nông dân cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mới có thể hoàn thành kế hoạch.
Hiện nay, diện tích lúa đông xuân đã chuẩn bị cho thu hoạch, các địa phương cũng căn cứ vào mục tiêu chung của tỉnh để từ đó xây dựng kế hoạch cho riêng mình. Cần xây dựng kế hoạch sản xuất theo cơ cấu luân canh cây trồng để chủ động bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy phù hợp để chủ động quỹ đất cho sản xuất vụ đông. Trong sản xuất vụ đông 2018 - 2019 tỉnh dự kiến sản xuất trên 10.000 ha, trong đó có 4.500 - 5.000ha ngô trên đất hai vụ lúa và trên 5.000ha rau màu.
Trong sản xuất đại trà vụ lúa hè thu thì các địa phương vẫn tiếp tục và duy trì ổn định mô hình sản xuất cánh đồng một giống lúa có sự liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Về cơ cấu giống, giống lúa thuần chiếm 60 - 70% diện tích gồm các giống: TBR 225, BC15, Thiên ưu 8, Shéng cù, Hương chiêm, J02, HT1, Kim cương 111, Bắc hương 9, nếp 87, nếp địa phương, lúa lai gồm các giống: TH3-3, Việt lai 20, D.ưu 6511, Nghi hương 305, Ct 16, Nhị ưu 838, Nông ưu 28, LY2099, Kim ưu 725.
Đối với trà sớm để sản xuất cây vụ đông sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng khoảng 110 ngày, gieo mạ và cấy xong trước 5/6 để lúa trỗ bông phơi màu vào 20 - 25/8, thu hoạch xong trước 25/9. Đối với diện tích còn lại các địa phương bố trí lịch gieo cấy phù hợp để thu hoạch trong tháng 10.
Riêng đối với Mù Cang Chải gieo cấy phù hợp từng giống lúa và tiểu vùng khí hậu. Do áp lực về thời vụ để có đất cho sản xuất vụ đông do vậy ngay khi thu hoạch lúa xuân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý đất: cắt sát gốc rạ và thu dọn toàn bộ tàn dư thực vật trên đất trước khi cấy, bón bổ sung vôi, phân hữu cơ, thời gian để đất nghỉ tối thiểu 7 ngày. Làm mạ non, mạ khay, gieo mạ trên nền đất cứng để chủ động thời vụ. Trong đầu tư thâm canh cần áp dụng biện pháp canh tác cải tiến SRI (cấy mạ non, nông tay, cấy thưa, bón lót sớm) và các kỹ thuật sử dụng phân bón dúi sâu.
Chủ động phòng các đối tượng sâu bệnh như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh bạc lá cao điểm gây hại trong giữa tháng 8 và đầu tháng 9. Đối với diện tích ngô hè thu trồng kết thúc trước ngày 10/7, ngô thu đông kết thúc trước 15/8.
Đối với diện tích ngô xuân hè ở các huyện vùng cao do hạn hán nên gieo trồng muộn hơn 15 - 20 ngày do đó cần áp dụng biện pháp trồng xen, gối vụ ngô thu đông, khi thu hoạch ngô hè thu tiến hành chặt bỏ thân, lá và làm cỏ chăm sóc ngô thu đông. Về cơ cấu giống sử dụng 100% giống ngô lai năng suất, chất lượng.
Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp thì mỗi địa phương lựa chọn không quá 5 giống trong cơ cấu giống ngô của tỉnh cho vụ hè thu và thu đông. Đối với ngô đồi, ngô trồng trên đất nương rẫy, sử dụng các giống ngô có thời gian sinh trưởng từ trung ngày đến ngắn ngày có khả năng chịu hạn, chống đổ tốt, năng suất khá; đối với ngô trồng vùng thấp có điều kiện thâm canh cao, sử dụng bộ giống có năng suất, chất lượng, ưa thâm canh...
Song song với đó là triển khai có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, các chương trình dự án đúng đối tượng, đúng tiến độ và hiệu quả. Tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết để sản xuất ngày một hiệu quả hơn.
Thực hiện đồng bộ các kế hoạch, giải pháp đã nêu là tiền đề, là cơ sở bảo đảm cho sản xuất nói chung và sản xuất vụ hè thu nói riêng giành thắng lợi.
Ngọc Trúc