Đề án phát triển cây sơn tra là một trong 8 đề án thành phần thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020.
Đề án được triển khai thực hiện tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải với mục tiêu đến năm 2020 trồng mới và phát triển 6.200ha, đưa diện tích toàn tỉnh lên trên 10.000ha, sản lượng đạt trên 7.500 tấn. Đến tháng 5/2018, các địa phương trồng theo kế hoạch là 2.245ha, đạt 36,21% theo kế hoạch Đề án.
Ngoài ra, bằng các nguồn lực huy động khác nhân dân và các tổ chức trồng được 1.752ha, đưa diện tích trồng mới trong 2 năm được 3.997,9ha/ 6.200ha, đạt 64%. Trong năm 2018, dự kiến kế hoạch thực hiện là 719,9ha (Mù Cang Chải 345,5ha, Trạm Tấu 374,4ha).
Sơn tra là cây bản địa, sinh trưởng phát triển tốt ở những nơi có tầng đất dày, đất mặt còn tính chất đất rừng và đất sau nương rẫy, điều kiện cần và đủ là nơi có khí hậu lạnh, độ cao trên 1.200m so với mực nước biển. Hiện nay, diện tích cây sơn tra đang cho thu hoạch chủ yếu là cây mọc tự nhiên dưới tán rừng khoanh nuôi tái sinh và một phần được gây trồng bởi nhân dân, phần còn lại được trồng hỗn giao trong trồng rừng phòng hộ.
Đây là loại cây sinh trưởng, phát triển mạnh, kỹ thuật gây trồng thủ công, đơn giản, phù hợp với điều kiện, trình độ của nhân dân huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Từ thực tiễn cho đến hôm nay không ai còn hoài nghi về giá trị kinh tế cũng như việc góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển vốn rừng của cây sơn tra.
Theo kết quả điều tra của ngành nông nghiệp tại xã Nậm Khắt, Púng Luông huyện Mù Cang Chải (đây là địa phương có sơn tra nhiều, quả chất lượng) cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển có sự khác nhau về phân bố theo độ cao. Ở độ cao 1.200 - 1.600m cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất, chất lượng quả cao (bình quân đạt 200-300kg quả/cây, quả có mẫu mã đẹp...).
Độ cao trên 1.700m cây sinh trưởng tốt, một số cây ra hoa kết quả, tuy nhiên, sản lượng ít, quả nhỏ, mẫu mã xấu, một số cây không đậu quả. Với độ cao dưới 1.000m cây vẫn sinh trưởng tốt, có ra hoa kết quả, tuy nhiên cách vụ thu hoạch 1-2 tháng thì cây có rất nhiều sâu, quả rụng nhiều, không hoặc ít được thu hoạch.
Đối với diện tích sơn tra trồng từ 5 năm đổ về trước ở độ cao từ 1.400 -1.500m, trồng thuần loài trên đất quy hoạch cho sản xuất của các hộ gia đình, cây được chăm sóc, bảo vệ tốt nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, sau 5 năm cây đã có quả thu hoạch, cây cao từ 4-5m, đường kính gốc 8-10cm, đường kính tán 2- 3m, tỷ lệ cây có quả trên 60% số cây, dự kiến bình quân 15-20kg quả/cây.
Đối với diện tích cây sơn tra trong rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt năm 2016, 2017, trồng ở độ cao 1.430m, nhìn chung cây sinh trưởng và phát triển chậm, tỷ lệ cây sống không cao do trồng dưới tán rừng có nhiều tầng tán, cây bị thiếu ánh sáng và công tác bảo vệ, chăm sóc chưa được người dân quan tâm nhiều, để gia súc phá hoại.
Đối với cây sơn tra trồng thuần loài trên đất trống quy hoạch cho sản xuất, tỷ lệ sống cao, đạt trên 80%, nhưng do việc đầu tư chăm sóc của nhân dân còn hạn chế, dẫn đến cây chậm phát triển, ngoài ra tập quán thả rông gia súc cũng ảnh hưởng nhiều đến tình hình sinh trưởng của cây.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện cơ bản đạt được có sự thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là về lịch thời vụ trồng, cơ cấu chủng loại giống và các biện pháp kỹ thuật trồng.
Quan trọng hơn là tư tưởng, nhận thức của cán bộ và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, có đầu tư thâm canh và canh tác bền vững.
Nhờ những chính sách thích hợp của tỉnh đã khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện. Việc trồng bổ sung cây sơn tra dưới tán rừng, để sử dụng đất quy hoạch cho lâm nghiệp hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho người dân và cải thiện môi trường, chống xói mòn đất, nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng. Ý thức của người dân trong bảo vệ rừng được nâng cao, góp phần tích cực để bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục như: cây sơn tra phân bố tự nhiên ở đai cao từ 800m đến 1.700m so với mực nước biển, đối với diện tích đất trống mà cây sơn tra có thể sinh trưởng và phát triển tốt thì phần lớn hiện nay bị người dân bao chiếm, xâm lấn làm nương rẫy, bãi chăn thả... xen kẽ nên việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện trồng cây sơn tra vào diện tích này gặp nhiều khó khăn; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, bị tư thương ép giá; các sản phẩm chế biến từ sơn tra còn nghèo nàn, chất lượng không cao; sự liên kết giữa các hộ dân với đơn vị thu mua, chế biến lỏng lẻo, không bền vững, thiếu ràng buộc; chưa có chính sách bảo vệ lợi ích cho người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm; chưa có các cơ sở chế biến có quy mô đủ lớn để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nhân dân...
Để phát huy hiệu quả cũng như tiến độ của Đề án, trước tiên các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo điều hành một cách quyết liệt hơn nữa, sát thực tế hơn nữa. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ chuyên môn, các doanh nghiệp và người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Tập trung cao nội dung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn; thực hiện liên doanh liên kết trong sản xuất.
Áp dụng các quy trình, quy phạm kỹ thuật về trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, cải tạo nuôi dưỡng và làm giàu rừng… phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực trên địa bàn. Tiến hành làm giàu rừng trên những diện tích rừng thưa, kém chất lượng bằng biện pháp trồng bổ sung cây sơn tra. Khuyến khích liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh rừng nhằm huy động vốn ở các tổ chức, cá nhân có điều kiện với nông dân để phát huy thế mạnh của cả hai bên phục vụ tốt cho sản xuất.
Một vấn đề nữa là không nên phát triển cây sơn tra một cách tràn lan, mà chỉ nên trồng ở những khu vực đã cho thu hoạch năng suất cao, chất lượng tốt và trồng ở bình độ trung bình chứ không nên trồng ở khu vực đai quá cao hoặc quá thấp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị sơn tra tại tỉnh Yên Bái.
Thanh Phúc