Yên Bái nhiều doanh nghiệp khó tuyển lao động

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/5/2018 | 8:06:50 AM

YBĐT - Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp và trở thành điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, không ít doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động.

Thu nhập của công nhân may thấp hơn so với mặt bằng chung nên nhiều lao động không muốn gắn bó lâu dài.
Thu nhập của công nhân may thấp hơn so với mặt bằng chung nên nhiều lao động không muốn gắn bó lâu dài.

Theo chủ trương mời gọi thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF thuộc Tập đoàn Kyung Seung Hàn Quốc đóng trên địa bàn thôn 1, 2, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên được thành lập và đi vào hoạt động được hơn 2 năm nay nhưng Công ty luôn trong tình trạng thiếu lao động.
 
Được xây dựng với quy mô 24 dây chuyền may, tương đương với 1.500 lao động trực tiếp tham gia sản xuất mới bảo đảm công suất thiết kế của nhà máy. Nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lao động.
 
Hiện tại, Công ty đang có trên 1.200 lao động, chủ yếu là lao động nữ và vẫn còn thiếu gần 300 lao động. Mặc dù Công ty luôn đề ra chính sách ưu đãi là tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia học tập các khóa đào tạo nếu chưa có tay nghề; tăng tuổi tuyển dụng... nhưng vẫn không đạt kế hoạch tuyển dụng nhân sự. Chính điều này đã ảnh hưởng đến năng suất và kế hoạch kinh doanh của Công ty hàng năm.
 
Ông Phạm Ngọc Mai - Quản lý Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF cho biết: "May mặc là ngành đặc thù cần nhiều lao động nữ, thu nhập chung của công nhân may so với mặt bằng lao động các ngành nghề khác còn thấp nên không thu hút được lao động. Nhiều lao động đến làm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thời gian làm việc nên lại bỏ; thông tin của Công ty đến người lao động còn thiếu nên Công ty luôn trong tình trạng thiếu lao động”.

Để bảo đảm đủ nguồn lao động phục vụ cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, thời gian qua các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho đơn vị. Ngoài ra, các doanh nghiệp cử cán bộ làm công tác nhân sự xuống địa bàn nông thôn thực hiện xét tuyển, tổ chức treo dán tờ rơi tuyển dụng, thậm chí đăng tuyển trên cả các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch tuyển dụng lao động.
 
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Yên Bái luôn hỗ trợ và phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp tại Trung tâm và các văn phòng đại diện tại huyện Lục Yên và thị  xã Nghĩa Lộ, tư vấn qua các phiên giao dịch việc làm, mạng lưới cộng tác viên, qua website, các trang mạng xã hội... 

Tuy nhiên, lượng lao động được tuyển qua sàn giao dịch việc làm đạt thấp so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, năm 2017, Trung tâm tư vấn cho hơn 10.200 lượt người nhưng thực tế chỉ kết nối thành công cho 800 lao động đi làm việc.

Nguyên nhân dẫn đến công tác tuyển dụng lao động hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp chưa có chính sách đãi ngộ  người lao động khiến người lao động không mặn mà gắn bó lâu dài. Một nguyên nhân quan trọng là thu nhập của lao động phổ thông hiện nay khá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. 

Bên cạnh đó, nhiều lao động có tư tưởng thay đổi công việc nếu công ty khác có mức lương, chế độ đãi ngộ tốt hơn. Mặt khác, lực lượng lao động có trình độ cao rất hạn chế...
 
Để giải quyết vấn đề thiếu lao động tại các doanh nghiệp, tỉnh Yên Bái đã nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng tay nghề và số lượng lao động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút các tập đoàn lớn.
 
Cùng với đó, khảo sát đánh giá nguồn lao động và nhu cầu sử dụng lao động của tỉnh để có kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu; chú trọng đào tạo có địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cần nỗ lực thực hiện tốt các chính sách về lao động cũng như: bảo đảm về điều kiện ăn, ở, đi lại cho công nhân…
 
Có như vậy, doanh nghiệp mới có đủ nguồn nhân lực để ổn định sản xuất, kinh doanh, còn người lao động có được việc làm ổn định có thu nhập để bảo đảm cuộc sống.

Hồng Duyên

Các tin khác

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 89,7 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Yên Bái, vào các chiều tối và đêm từ 30/5 đến 4/6 sẽ có mưa to và dông ở các khu vực trong tỉnh.

Tham quan mô hình thực nghiệm giống lúa tại cánh đồng thôn Đồng Trạng, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

YBĐT - Sáng 30/5, Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, tỉnh Thái Bình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Trấn Yên tổ chức đánh giá kết quả thực nghiệm giống lúa chất lượng cao Đông A1 và giống lúa lai Phúc Thái 168 tại xã Báo Đáp.

YBĐT - Chiều 29/5, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ ra mắt Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp và sản xuất rau an toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục