Hiện, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho vi - rút gây bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, dịch bệnh tai xanh ở lợn và dịch cúm gia cầm phát triển cùng với ý thức chủ quan của người dân sẽ là điều kiện để dịch bệnh bùng phát và dịch bệnh có thể "phủ sóng” trên địa bàn nếu chúng ta không chủ động phòng chống.
Theo báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm tới nay, dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 104 hộ, thuộc 15 thôn, bản, của 9 xã thuộc các huyện: Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Dịch bệnh đã làm 244 con gia súc mắc bệnh. Dịch bùng phát đã làm cho nhiều hộ dân lao đao, khốn khó. Dù vậy, nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống nên chúng ta đã kịp thời bao vây, khống chế được dịch bệnh.
Đến thời điểm này, dịch bệnh đã được khống chế và UBND huyện Trạm Tấu đã ban hành Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 10/5/2018 về việc công bố hết dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn xã Trạm Tấu. Tuy nhiên, dù dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được kiểm soát nhưng tiến độ tiêm vắc - xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi còn thấp so với kế hoạch và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Theo kế hoạch, năm 2018, toàn tỉnh tiến hành tiêm 155.860 liều tụ huyết trùng trâu, bò; 184.560 liều tụ huyết trùng lợn; 184.560 liều dịch tả lợn, 169.700 liều lở mồm long móng. Công tác tiêm vắc - xin phòng bệnh đợt 1 cho gia súc, gia cầm trên địa bàn được thực hiện vào tháng 3, tháng 4. Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến ngày 17/5 đã tổ chức tiêm phòng được 11.398 liều tụ huyết trùng trâu, bò, 5.950 liều tụ huyết trùng lợn, 5.950 liều dịch tả lợn; 23. 571 liều lở mồm long móng.
Như vậy, tỷ lệ tiêm phòng tụ huyết trùng trâu, bò đạt 7% kế hoạch; tiêm vắc - xin tụ huyết trùng lợn và dịch tả lợn chỉ đạt 3% kế hoạch. Đặc biệt, hiện nay tình trạng vận chuyển giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm động vật còn gặp nhiều khó khăn do các địa phương chưa xây dựng các điểm giết mổ động vật tập trung.
Cùng với đó, một số bộ phận người chăn nuôi chủ quan chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm. Khi phát hiện dịch bệnh, một số người không báo cáo ngay với ngành chức năng mà tự ý chữa bằng những biện pháp dân gian hoặc tự ý mổ gia súc gia cầm đem bán, đó là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan.
Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các địa phương song song với việc tiêm phòng phải tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Sau khi hoàn thành việc tiêm phòng định kỳ cho gia súc, các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho những con gia súc, gia cầm mới phát sinh và những con chưa được tiêm phòng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển.
Đặc biệt, sắp bước vào mùa mưa lũ thời tiết ẩm ướt, mưa nắng thất thường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất lớn, đặc biệt là các dịch bệnh như: cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc. Do đó, để ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển, các địa phương tổ chức rà soát dịch bệnh, nâng cao nhận thức về công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực phát hiện và phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý kiên quyết vi phạm trong công tác thú y.
Bên cạnh đó, các trạm chăn nuôi và thú y chuẩn bị đầy đủ vắc - xin, hóa chất và các loại vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời, tăng cường việc tập huấn kỹ thuật cho mạng lưới thú y và người chăn nuôi. Bà con không giết mổ và ăn thịt gia súc, gia cầm khi có bệnh. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát dịch bệnh đến từng hộ gia đình nhằm phát hiện nhanh, xử lý gọn, không để lây lan khi dịch xảy ra.
Văn Thông