Sức sống mới trên bản Giáy

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/6/2018 | 1:51:47 PM

YBĐT - Xã Gia Hội hiện có trên 1.310 hộ, trên 5.790 nhân khẩu; trong đó, có trên 520 hộ với trên 2.300 khẩu là đồng bào Giáy sinh sống. 

Mô hình chăn nuôi lợn góp phần tăng thu nhập cho gia đình ông Trương Văn Mười ở thôn Chiềng Pằn 2.
Mô hình chăn nuôi lợn góp phần tăng thu nhập cho gia đình ông Trương Văn Mười ở thôn Chiềng Pằn 2.

Nhờ động lực từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm gần đây, đời sống của đồng bào Giáy ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn từng bước được nâng lên.

Một số hộ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ nên không chỉ thoát nghèo, làm giàu chính đáng mà còn trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế để các hộ khác học tập, làm theo.

Xã Gia Hội hiện có trên 1.310 hộ, trên 5.790 nhân khẩu; trong đó, có trên 520 hộ với trên 2.300 khẩu là đồng bào Giáy sinh sống tập trung ở 3 thôn: Chiềng Pằn 1, Chiềng Pằn 2 và thôn Khe Sanh, chiếm tỷ lệ trên 40% dân số toàn xã.
 
Ông Lò Văn Kiêm - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, phần lớn dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mường, Giáy... trình độ nhận thức còn có những hạn chế nhất định, đời sống vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, dù địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng sự thay đổi tư duy, hành động vẫn còn chậm. Đặc biệt, là nhóm đồng bào Giáy với truyền thống lâu đời chỉ quen sản xuất một vụ, tự cung, tự cấp còn khá phổ biến. 

Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hàng năm, xã đã tập trung triển khai thực hiện nhanh, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân khai thác, tận dụng tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp theo hướng sản xuất hàng hoá...

Từ sự quan tâm, khuyến khích, phát triển kinh tế hộ của các cấp ủy, chính quyền, đồng bào Giáy ở đây đã tích cực đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất thâm canh, tăng vụ.
 
Cùng đó, đồng bào đã phát huy thế mạnh cây chè với diện tích gần 100 ha, chiếm tỷ lệ trên 1/3 diện tích chè toàn xã và phát triển các loại cây lâm nghiệp khác như: quế, mỡ, bồ đề. Qua đó, một số hộ như ông Hà Văn Kích ở thôn Chiềng Pằn 1; Trương Văn Mười ở thôn Chiềng Pằn 2... đã mạnh dạn đầu tư xây dựng được những mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập cao, ổn định.
 
Ông Lò Văn Thượng - Trưởng thôn Chiềng Pằn 2 cho biết: "Thôn hiện có trên 140 hộ, với trên 620 nhân khẩu. Vốn là người dân gốc ở đây, nên hộ nào cũng có đất đai sản xuất. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con đã tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thôn có trên 14 ha ruộng nước và hàng năm bà con đều gieo cấy hai vụ bằng giống lúa lai, coi trọng đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hết năm 2017, hộ nghèo của thôn đã giảm xuống còn 76 hộ”.

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Trương Văn Mười - một trong những hộ làm kinh tế giỏi vươn lên làm giàu ở thôn Chiềng Pằn 2, ông Mười tâm sự: "Gia đình tôi ít đất sản xuất, nên để tăng thêm thu nhập, tôi mạnh dạn vay vốn mua ô tô về chở hàng thuê, thu mua gom sản phẩm chè búp tươi của bà con bán lại cho các xưởng chế biến, kết hợp chở thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp về bán cho người dân và đầu tư chuồng trại nuôi lợn thịt. Vài năm gần đây, thấy nhu cầu xây dựng tăng cao, tôi đã mua xi măng, cát, sỏi, sắt thép... về phục vụ bà con”.
 
Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Mười còn có lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Mười còn luôn tạo điều kiện giúp cho những người còn khó khăn mua chịu trước thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng đến khi nào có tiền mới thanh toán, nên điểm thu mua nông sản của gia đình ông luôn được bà con tin tưởng.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nhạy bén trong phát triển kinh tế của người dân, chất lượng cuộc sống đồng bào Giáy ở Gia Hội từng bước được nâng lên. Hiện nay, 99% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường; người già, trẻ nhỏ, phụ nữ được chăm sóc sức khỏe định kỳ; đặc biệt, đã có trên 40% số hộ thoát nghèo.

A.M

Các tin khác

YBĐT - Huyện Mù Cang Chải đang chỉ đạo các phòng chuyên môn, các địa phương tiếp tục chuẩn bị điều kiện thiết yếu phục vụ sản xuất; đặc biệt về nguồn nước, phân bón, có kế hoạch chống hạn, sâu bệnh hại lúa, quyết tâm để có một vụ mùa bội thu.

Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Yên Bái đạt 2.925 tấn. Ảnh MQ

YBĐT - Năm 2018, ngành nông nghiệp chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh sản xuất thủy sản đạt hiệu quả cao trên cả hai lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt.

Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên làm việc trong dây chuyền may.

YBĐT - Sắp bước qua nửa chặng đường của kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2018, kết quả cho thấy tuy có sự phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

YBĐT - Hiện nay, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn đã quy hoạch hơn 100 ha để trồng lúa nếp Tan hàng hóa tại 10/11 thôn bản với 23 tổ hợp tác liên kết sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục