Tuy nhiên, Yên Bái chưa có sự đột phá về thứ hạng và đặc biệt các chỉ số thành phần còn tăng, giảm, thay đổi và còn nhiều hạn chế.
Có tăng nhưng chưa đột phá
Theo bảng xếp hạng PCI năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 3/2018, Yên Bái xếp thứ hạng 46/63 tỉnh, thành phố cả nước với 60,72 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2016 và 5 bậc so với năm 2015.
Theo kết quả này, Yên Bái xếp thứ 6/14 tỉnh, thành trong khu vực miền núi phía Bắc, đứng sau các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang và Tuyên Quang.
Phân tích trong 10 chỉ số thành phần cấu thành nên PCI thì Yên Bái có 3 chỉ số tăng điểm, tăng bậc gồm: chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Trong đó, có 2 chỉ số được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 1,53 điểm, tăng 26 bậc) và chỉ số thiết chế pháp lý (tăng 1,20 điểm, tăng 27 điểm).
Đây là nỗ lực của tỉnh trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ liên quan đến công nghệ. Qua các chỉ số tăng điểm cho thấy, Yên Bái đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, theo bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI năm 2017, Yên Bái cũng có 7 chỉ số giảm điểm so với năm 2016 gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo và cạnh tranh bình đẳng.
Trong đó, chỉ số chi phí không chính thức giảm điểm nhiều nhất (giảm 0,91 điểm) và cũng là chỉ số có mức điểm thấp nhất. Nguyên nhân chủ yếu do việc doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí không chính thức mới giải quyết được công việc khi làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước diễn ra khá phổ biến.
Qua kết quả khảo sát thì vẫn còn 14% doanh nghiệp phải chi phí hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức. Chỉ số giảm điểm ở mức cao thứ 2 và thứ 3 là chỉ số gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai.
So với năm 2016, có 25% doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động, trong khi năm 2016 là 11,63%; vẫn còn 6% doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động. Việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tương đối khó khăn và thuộc nhóm những tỉnh có thủ tục đất đai trung bình trên cả nước, khâu giải phóng mặt bằng còn chậm.
Ngoài ra, chỉ có 35% doanh nghiệp nhận định nếu bị thu hồi đất doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng. Qua phân tích trên cho thấy, mặc dù xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tăng dần đều qua các năm, tuy nhiên, chưa có sự đột phá về thứ hạng và đặc biệt các chỉ số thành phần còn tăng, giảm, thay đổi và còn nhiều hạn chế.
Giải pháp nâng cao PCI
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá kết quả PCI năm 2017 và giải pháp cho năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho rằng: qua bảng điểm và vị thứ các chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2017 cho thấy, chỉ số PCI của tỉnh chưa ổn định, bền vững.
Trong đó, nguyên nhân đầu tiên thuộc về bộ máy cơ quan công quyền, sự hạn chế về năng lực trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu trong tham mưu, giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng về quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, khó khăn về quỹ đất, dịch vụ tài chính ngân hàng...
Do đó, để nâng cao PCI, các sở, ngành địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ; rà soát 10 chỉ số thành phần và chỉ số cấu thành chỉ số thành phần để đánh giá một cách khách quan, toàn diện lý do những chỉ số nào còn ở mức điểm thấp và biện pháp để cải thiện nâng cao điểm số cũng như thứ hạng của các chỉ số đó.
Tập trung các giải pháp để phát huy điểm mạnh trong PCI năm 2017, duy trì và thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy chỉ số về đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, tăng cường thiết chế pháp lý, hệ thống cơ quan tư pháp để giải quyết nhanh các tranh chấp liên quan đến các doanh nghiệp.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong cải thiện PCI; trong đó, tập trung để tháo gỡ khó khăn và cải cách thủ tục hành chính về đất đai, thuế, môi trường cho doanh nghiệp, triển khai hoạt động có hiệu quả Trung tâm Hành chính công để giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được phát triển bình đẳng nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp.
Công khai, minh bạch, hướng dẫn và thường xuyên cập nhật các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Xây dựng cơ chế thông thoáng trong tiếp cận đất đai, các nguồn vốn tín dụng; tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương năm 2018 để qua đó có cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ số PCI cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Yên Bái.
Văn Thông