Văn Chấn: Hiệu quả trồng bí đỏ lấy hạt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2018 | 2:01:35 PM

YBĐT - Với việc chuyển đổi thành công mô hình trồng bí đỏ lấy hạt trên những chân ruộng kém hiệu quả và đất soi bãi, nông dân xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đã chọn hướng trồng bí đỏ lấy hạt. Từ mô hình này, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ còn trở nên khá giàu với mức thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm/héc - ta.

Ông Hà Văn Toan, thôn Tành Hanh cùng cán bộ Hội Nông dân xã kiểm tra sinh trưởng của bí đỏ.
Ông Hà Văn Toan, thôn Tành Hanh cùng cán bộ Hội Nông dân xã kiểm tra sinh trưởng của bí đỏ.

Gia đình ông Hà Văn Toan, thôn Tành Hanh là hộ đầu tiên trong xã trồng bí đỏ lấy hạt và cũng là trưởng nhóm thực hiện mô hình. Năm 2008, ông Toan mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 sào đất soi bãi sang trồng bí. Sau 3 tháng, nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, trừ chi phí ông Toan còn lãi khoảng 6 triệu đồng.
 
Thấy hiệu quả, ông tiếp tục chuyển đổi đất soi bãi và một phần ruộng 2 vụ kém hiệu quả sang trồng bí đỏ lấy hạt với diện tích gần 1.600 m2. Vụ trồng bí năm 2017, ông thu gần 40 triệu đồng và sang năm 2018 ông lại chuyển đổi hơn 1.000 m2 ruộng, đất soi bãi và mua thêm ddaata của các hộ khác để trồng bí. Với diện tích trên 2.700 m2, vụ bí năm nay ông ước sẽ thu khoảng 50 triệu đồng.
 
Ông Toan cho biết: "Nếu so với trồng lúa, ngô, rau màu thì trồng bí đỏ lấy hạt cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 7 lần. Trồng bí đỏ lấy hạt không quá khó như nhiều loại cây khác nhưng phải thao tác khéo léo và đúng quy trình, phải tuân thủ kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ công ty thì mới có hiệu quả cao”.

Bà Lò Thị Khoa, thôn Bản Tủ cũng vậy. Năm 2017, bà mới tham gia trồng bí đỏ, song với diện tích 1.300 m2 bà thu về 30 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2018 bà chuyển đổi thêm 500 m2 ruộng kém năng suất sang trồng bí đỏ.
 
Bà Khoa cho biết: "Trước đây, trên diện tích này tôi trồng lúa. Tuy nhiên, hiệu quả thấp bởi ruộng cao vụ mùa thường hạn hán. Bởi vậy, vụ mùa tôi trồng ngô nhưng thu nhập cũng chả đáng bao nhiêu. Loay hoay không biết trồng cây gì thì thấy nhiều hộ chuyển sang trồng bí đỏ lấy hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi đăng ký với trưởng nhóm để tham gia trồng bí. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó khăn”.

Không chỉ ông Toan, bà Khoa mà nhiều hộ khác ở xã Sơn Lương rất phấn khởi trước hiệu quả của giống cây này mang lại.
 
Được biết, năm 2008, Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát, thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nông dân xã Sơn Lương thực nghiệm mô hình trồng bí đỏ lấy hạt tại thôn Tành Hanh. Qua một năm thử nghiệm mô hình cho hiệu quả khả quan; từ đó, Công ty tiếp tục phối hợp với xã để nhân rộng ra các thôn, bản khác. Từ vài trăm mét vuông thử nghiệm, đến nay, diện tích trồng bí lên tới trên 8 ha với 80 hộ tham gia ở 6/10 thôn nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là thôn Tành Hanh.
 
Cũng giống như những loại bí khác, bí đỏ có thể trồng 2 vụ/năm nhưng hiệu quả nhất vẫn là vụ đông xuân. Hơn nữa, việc trồng bí cũng phải nắm vững kỹ thuật, không được trồng bí đực lẫn bí cái mà phải trồng riêng biệt khác luống, bí đực trồng trước bí cái khoảng 10 ngày. Khi bí cái ra hoa phải tự thụ phấn không được để côn trùng thụ phấn sẽ làm quả không đảm bảo số lượng hạt.
 
Bí đỏ là cây có khả năng chịu hạn tốt, phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng khoảng 90 - 120 ngày là cho thu hoạch, là cây trồng ít sâu bệnh, ít phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí đầu tư thấp, thu nhập bình quân không dưới 100 triệu đồng/héc - ta sau khi đã trừ các khoản chi phí và cao gấp 5 lần so với các loại cây rau màu khác.
 
Bí sau khi thu hoạch lấy hạt, quả có thể làm thức ăn cho gia súc. Căn cứ theo nhu cầu của Công ty, có thể vụ đông xuân trồng một loại giống, vụ mùa lại trồng một giống khác, giá hạt tùy thuộc vào loại giống do Công ty cung cấp. Người dân tham gia trồng bí chỉ cần có đất, đăng ký thông qua trưởng nhóm là cán bộ Công ty sẽ đưa giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân canh tác, nhưng bà con cần tuân thủ các kỹ thuật trồng cây và bán hạt bí đã được phơi khô cho Công ty.
 
Bà Lưu Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: "Đây là mô hình không mới nhưng nó thể hiện sự liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân - vấn đề mà từ trước đến nay nhiều nơi chưa thực hiện được. Mô hình đã góp phần quan trọng giúp cho nhiều hộ dân có việc làm, tăng thu nhập và nhiều hộ trồng bí đã thoát nghèo, có hộ trở lên khá giả. Tuy nhiên, để việc phát triển loại cây trồng này có định hướng rõ ràng, xã đã giao trách nhiệm cho Hội Nông dân cùng trưởng nhóm trồng bí thường xuyên có sự trao đổi với cán bộ Công ty để có định hướng cụ thể cho nông dân, tránh việc phát triển ồ ạt vỡ quy hoạch về phát triển nông nghiệp của xã”.

Thanh Tân

Các tin khác
Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I huy động máy móc khắc phục hậu quả bão lũ xảy ra trong tháng 10/2017.

YBĐT - Tổ chức phân luồng trên các quốc lộ thuộc địa bàn quản lý; rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở; dự phòng vật tư, máy móc, nhân lực và tổ chức ứng trực 24/24… đó là những phương án chủ động bảo đảm giao thông của Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I trong mùa mưa bão năm 2018. 

Nhà máy Vật liệu xây dựng Hoa Sen Yên Bái chính thức đi vào hoạt động. Đây là thành công của tỉnh Yên Bái trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư.

YBĐT - Với nỗ lực từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã đưa chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Yên Bái tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng (từ vị trí thứ 55 năm 2015, lên vị trí 46 trong năm 2017). 

YBĐT - Ngày 13/6, tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Văn Chấn tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018.

Khách hàng đến vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Agribank Lục Yên.

YBĐT - Thực hiện giải ngân tiếp những hợp đồng đã cam kết và tiếp tục ký kết giải ngân các hợp đồng tín dụng mới nên tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng, các QTDND đến hết 30/4/2018 đạt 18.035 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục