Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh Kiên Giang, việc thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất Phú Quốc được nhiều người quan tâm là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên tốc độ đô thi hóa nhanh kéo theo nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, từ đó hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa được kiểm soát chặt chẽ đã làm cho thị trường này thiếu minh bạch, gây thất thu cho ngân sách.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Kiên Giang thừa nhận, do các nhà đầu tư, đầu cơ đến Phú Quốc với mục tiêu "đi trước đón đầu” để kiếm lời nên dẫn đến hiện tượng "sốt đất ảo”. Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai tại huyện đảo Phú Quốc trở nên phức tạp, mất kiểm soát. Tình trạng tư ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất rừng đã và đang diễn ra, các giao dịch quyền sử dụng đất chính thức và không chính thức ngày một tăng cao.
Nếu như cả năm 2017, tại Phú Quốc có 7.690 hồ sơ giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 634 ha, thì chỉ trong ba tháng đầu năm 2018 đã có đến 4.578 hồ sơ chuyển dịch, tăng đến 200% so cùng kỳ năm 2017. Nhưng đây chỉ mới là thống kê đối với những giao dịch chính thức qua hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, còn những giao dịch không chính thức như: Nhận ủy quyền, mua-bán bằng giấy tay thì không thể thống kê được.
Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, có ba nguyên nhân dẫn đến sốt đất tại Phú Quốc. Thứ nhất giới đầu cơ đã đưa ra thông tin giả thông qua định hướng phát triển của hòn đảo lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Họ cho rằng, khi Phú Quốc phát triển ở tầm cao hơn một số khu vưc, vị trí sẽ được Nhà nước điều chỉnh quy hoạch từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ thương mại. Hay việc nhiều nhà đầu tư đang gấp rút tìm mua đất, trong khi đất tại Phú Quốc khan hiếm là cơ hội tốt để "lướt sóng”. Và thế là giá đất tại Phú Quốc đã bị giới đầu cơ, "cò đất” đẩy lên "tận mây xanh”.
Nguyên nhân thứ hai là do những hạn chế, yếu kém, trong công tác điều hành, quản lý của cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, chính quyền địa phương. Trong đó cố hữu là việc không thực hiện thông tin, tuyên truyền, không công khai quy hoạch, công bố dự án… dẫn đến người dân mù mờ thông tin, hiểu biết không đầy đủ, dễ dàng tiếp nhận thông tin giả.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai, xây dựng của các cơ quan được giao chức trách nhiệm vụ không được thực hiện thường xuyên, chỉ chạy theo sự vụ, sự việc; công tác hậu kiểm, xử lý chưa nghiêm nên việc uốn nắm, chấn chỉnh không kịp thời.
Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang cho rằng, tình hình đầu tư và hoạt động của thị trường BĐS ở Kiên Giang thời gian qua đang đi đúng quy hoạch, giao dịch khá sôi động. Tại một số đô thị lớn của tỉnh như: TP. Rạch Giá, huyện đảo Phú Quốc, thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương đã hình thành nên một số khu đô thi mới khang trang.
Đặc biệt tại huyện đảo Phú Quốc đã và đang là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư lớn trên lĩnh vực bất động sản như: VinGroup, SunGroup, CEO Group, Bim Sroup… Một lượng tiền lớn đã được đổ vào thị trường bất động sản của huyện đảo này.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Anh, thị trường bất động sản (BĐS) nói chung và tại Kiên Giang nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế ảnh hưởng. Đó là nền kinh tế dựa quá nhiều vào BĐS, khung pháp lý của thị trường BĐS còn bất cập, các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của thị trường BĐS còn phân tán, giá cả BĐS quá cao so với mặt bằng chung, cơ chế cho công tác đề bù giải phóng mặt bằng chưa phù hợp, hạ thống hạ tầng chưa hoàn thiện…
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, sốt đất là dấu hiệu tốt, đáng mừng nhưng đừng để rơi vào "sốt ảo”, "giá trị ảo”. "Giá đất tăng theo đường dốc là đúng quy luật. Tăng ít thì dốc thoai thoải, tăng nhiều thì dốc đứng. Nhưng giá đất tăng theo đường cong là có "giá trị ảo” mới đáng lo, phải dùng quản lý để loại giá trị ảo”.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, tỉnh Kiên Giang có lợi thế hơn tất cả tỉnh thành, phố khác. Nếu đem so sánh Kiên Giang với 28 tỉnh, thành có biển trong cả nước, Kiên Giang vẫn mới và lạ. Chỉ có Kiên Giang mới có đô thị biển nằm trong vùng vịnh Thái Lan (biển Tây), vì vậy Kiên Giang phải phát triển theo hướng tạo ra những cái mới, cái hấp dẫn so với các địa phương khác.
Cái mà Kiên Giang đang cần và hướng đến là phải đầu tư BĐS du lịch để dẫn đường kéo dân cư, tiếp đến mới phát triển BĐS nhà ở. Đặc biệt là Phú Quốc phải lấy BĐS du lịch làm trung tâm phát triển thị trường BĐS và tất cả những cái khi áp dụng vào Phú Quốc phải đặc biệt, kể cả du lịch phải là du lịch môi trường, phong cách kiến trúc cũng phải mới lạ, khác biệt…
Trước thực trạng "sốt đất ảo” tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã dùng công cụ quản lý nhà nước để chấn chỉnh và ngăn chặn. Ông Nguyễn Xuân Lộc cho biết Sở TN và MT Kiên Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang hai nhóm giải pháp chính. Nhóm giải pháp thứ nhất nhằm ngăn chặn đầu cơ đất đai, bằng cách công khai quy hoạch sử dụng đất.
Theo đó, tại Phú Quốc sẽ tập trung công khai quy hoạch đất phát triển nông nghiệp, để người dân biết sẽ không có cơ hội chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Công khai các khu vực đất sẽ bị thu hồi để giao cho các dự án đầu tư để người dân rõ sẽ không có cơ hội được nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Phú Quốc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật đất đai, nhất là tuyên truyền, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; thông tin về các rủi ro, thiệt hại về tài sản khi mua bán đất đai trái pháp luật… Nghiêm cấm đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được môi giới, kinh doanh đất đai, cũng như chung nhóm lợi ích với giới đầu cơ đất đai, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Cùng với đó, chính quyền chỉ đạo thanh tra về đất đai, về xây dựng, tập trung thanh tra chuyên ngành về hoạt động, phân phối, môi giới BĐS tại Phú Quốc, các sàn giao dịch bất động sản. Những sàn giao dịch không đăng ký kinh doanh, người môi giới không có chứng chỉ hành nghề phù hợp sẽ bị xử lý theo luật định.
(Theo NDĐT)