Đến năm 2020: Xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/6/2018 | 2:40:41 PM
Sáng 15-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Quốc hội yêu cầu sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập của BOT giao thông.
|
Từ thực tế giám sát, để khắc phục những hạn chế, bất cập, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá DNNN; sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan.
Ban hành văn bản phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; văn bản quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổng kết, đánh giá mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và mối quan hệ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chậm nhất vào tháng 5-2019, Chính phủ phải ban hành văn bản quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DNNN theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương bàn giao phần vốn hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Đến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).
Gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.
Cùng với đó, quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN.
Tiếp tục đổi mới cơ chế để doanh nghiệp thực sự chủ động trong trả tiền lương, tiền thưởng dựa vào năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động; thu hút lao động có trình độ cao vào làm việc.
Quốc hội cũng yêu cầu tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011- 2017, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019).
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và có biện pháp xử lý, khắc phục; thực hiện nghiêm, dứt điểm các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện, chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Chính phủ cũng cần nghiên cứu trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tinh thần khoản thu này phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được dự toán trong ngân sách nhà nước hàng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn; chỉ được bố trí dự toán chi cho đầu tư phát triển, tạo nguồn lực lâu dài; các trường hợp thu vượt, đột xuất cần báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc quản lý và sử dụng nguồn thu này theo quy định của pháp luật.
Các tin khác
YBĐT - Với việc chuyển đổi thành công mô hình trồng bí đỏ lấy hạt trên những chân ruộng kém hiệu quả và đất soi bãi, nông dân xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn đã chọn hướng trồng bí đỏ lấy hạt. Từ mô hình này, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ còn trở nên khá giàu với mức thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm/héc - ta.
YBĐT - Tổ chức phân luồng trên các quốc lộ thuộc địa bàn quản lý; rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở; dự phòng vật tư, máy móc, nhân lực và tổ chức ứng trực 24/24… đó là những phương án chủ động bảo đảm giao thông của Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I trong mùa mưa bão năm 2018.
YBĐT - Với nỗ lực từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã đưa chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Yên Bái tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng (từ vị trí thứ 55 năm 2015, lên vị trí 46 trong năm 2017).
YBĐT - Ngày 13/6, tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Văn Chấn tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018.