Lục Yên không để dịch lở mồm long móng lan rộng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/6/2018 | 8:24:33 AM

YBĐT - Từ ngày 31/1 đến ngày 27/3/2018, toàn tỉnh đã có 227 con gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM), trong đó có 94 con trâu, 97 con bò và 36 con lợn ở 3 huyện: Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên.

Cán bộ thú y huyện Lục Yên hướng dẫn người dân chăm sóc và điều trị cho gia súc mắc bệnh LMLM.
Cán bộ thú y huyện Lục Yên hướng dẫn người dân chăm sóc và điều trị cho gia súc mắc bệnh LMLM.


Trong khi dịch bệnh LMLM chưa lắng xuống thì trên địa bàn xã Tân Lĩnh và Mường Lai, huyện Lục Yên lại có gia súc mắc bệnh. Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đang khẩn trương khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng.
 
Ông Triệu Minh Giám - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Lục Yên cho biết: "Trong 2 ngày 12 và 13/6, Lục Yên nhận được báo cáo của thú y viên xã Mường Lai và Tân Lĩnh một số con trâu trên địa bàn xã có triệu chứng bị đau chân, đi lại khó khăn, Trạm đã cử cán bộ xuống kiểm tra xác minh dịch bệnh". 

"Qua kiểm tra, số trâu trên có triệu chứng điển hình của bệnh LMLM như: hai chân sau móng bị hở, kẽ móng có mụn nước, đi lại khó khăn, sơ chẩn kết luận đàn trâu bị bệnh LMLM. Ngay sau đó, Trạm đã cấp 20 lít thuốc tiêu độc khử trùng để phun khử trùng trong vùng có dịch bệnh và khu vực xung quanh. Trạm đã cử 2 cán bộ trực tiếp nằm tại địa bàn để hướng dẫn bà con chữa trị bệnh, quyết không để dịch bệnh lây lan” - anh Giám nói.
 
Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh được xác định là do mầm bệnh còn lưu cữu từ những ổ dịch cũ, kết hợp thời tiết nắng, nóng kèm mưa giông làm gia súc giảm sức đề kháng tạo điều kiện cho mầm bệnh LMLM phát triển và gây bệnh. Người dân mua, bán gia súc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch nên mua phải gia súc đã ủ sẵn mầm bệnh.

Tân Lĩnh là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi khá phát triển với đàn trâu, bò trên 1.100 con; đàn lợn gần 2.500 con và đàn gia cầm gần 42.500 con. Những năm qua, nhờ chăn nuôi mà nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu.
 
Đặc biệt, trong gần 15 năm qua, trên địa bàn xã không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên bà con phấn khởi và yên tâm chăn nuôi. Thế nhưng, những ngày vừa qua, tại thôn 9, thôn 10 có 18 con trâu mắc bệnh LMLM khiến người dân không khỏi lo lắng. 

Ông Nguyễn Tuyên Quý ở thôn 10 cho biết: "Cả tài sản nhà tôi chỉ có 6 con trâu được 7 - 8 năm tuổi mà giờ cả 6 con đều mắc bệnh, tôi lo lắm, nhưng được cán bộ thú y hướng dẫn cách chữa bệnh nên đàn trâu nhà tôi cũng gần khỏi rồi”.
 
Qua trao đổi với ông Hoàng Minh Chuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh được biết: "Năm 2004, trên địa bàn xã xảy ra dịch LMLM trên đàn dê với gần 500 con mắc bệnh và từ đó đến nay mới lại xảy ra. Ngay sau khi nhận được tin báo tại thôn 9, 10 có trâu nghi mắc bệnh LMLM, chúng tôi đến tận các hộ kiểm tra, hướng dẫn người dân nuôi cách ly, vệ sinh tiêu độc khử trùng và tập trung chữa trị cho số gia súc mắc bệnh”.

Tính đến ngày 19/6, trên địa bàn huyện Lục Yên có 23 con gia súc mắc bệnh LMLM ở 2 xã Tân Lĩnh và Mường Lai. Trong đó, xã Mường Lai có 5 con ở thôn Nà Va và thôn Tàng An; xã Tân Lĩnh có 18 con ở thôn 9 và thôn 10. 

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cùng với mầm bệnh ủ sẵn từ những ổ dịch cũ, dịch bệnh LMLM có thể sẽ diễn biến phức tạp, lây lan trên diện rộng, UBND huyện Lục Yên chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, UBND 2 xã có gia súc mắc bệnh khẩn trương triển khai các giải pháp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã cấp 1.300 liều vắc - xin LMLM để tiêm phòng bao vây khống chế dịch cho 2 xã trên.
 
Ông Triệu Văn Thuộc - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lai nhấn mạnh: chúng tôi đã họp kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch LMLM năm 2018, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho nhân viên thú y xã phối hợp với các trưởng thôn, các ban, ngành, đoàn thể của xã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đàn vật nuôi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; tổ chức bao vây, khoanh vùng ổ dịch nhằm ngăn chăn dịch bệnh lây lan”.

Để khống chế dịch bệnh, không để dịch LMLM lây lan sang địa bàn các xã lân cận, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người chăn nuôi chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống.
 
Đặc biệt làtriển khai tiêm phòng vắc-xin phòng chống dịch trên đàn gia súc. Cùng với đó, ngành chuyên môn cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở "cầm tay chỉ việc”, giúp người dân cách nhận biết và điều trị dứt điểm cho gia súc mắc bệnh; kiểm soát chặt chẽ gia súc vận chuyển ra, vào vùng dịch; tuyệt đối không giết mổ, mua bán gia súc trong vùng dịch.
 
Đặc biệt, không thả rông hay chăn thả gia súc mắc bệnh chung với gia súc không mắc bệnh; tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế rủi ro xảy ra cho người chăn nuôi. 
 
Hồng Duyên

Các tin khác
Đèo Khau Phạ được đánh giá là một trong những điểm nhảy dù lượn đẹp nhất thế giới. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Mù Cang Chải là địa phương có trục quốc lộ 32 chạy qua, thuận lợi cho việc giao thương, giao lưu văn hóa và kết nối các tour du lịch qua các địa danh nổi tiếng. 

YBĐT - Dự án Chỉnh trị tổng thể khu vực Ngòi Thia do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái làm chủ đầu tư được triển khai từ tháng 3 năm 2018. Giai đoạn I của Dự án được chia làm 8 gói thầu xây dựng với tổng giá trị xây lắp trên 120 tỷ đồng.

Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 có tổng mức đầu tư lên tới 9.100 tỷ đồng chuẩn bị được khởi công xây dựng tại tỉnh Tây Ninh vào ngày 23/6 tới đây. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và châu Á.

Ảnh minh họa.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) vừa cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng tại 27/79 trạm thu giá trên các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục