Các đồng chí: Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo, về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND – UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trong tỉnh.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn như nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh, tiến sĩ Đặng Kim Sơn- nguyên VIện trưởng VIện Quy hoạch chiến lược và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn)...; lãnh đạo các tổng cục, cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các doanh nghiệp Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2018, là nội dung hết sức quan trọng, thiết thực, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc; góp phần nhìn lại thực tiễn phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhận diện rõ hơn những lợi thế so sánh của địa phương cũng như những khó khăn, thách thức cần vượt lên; từ đó định hướng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Yên Bái theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội thảo
Sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tỉnh Yên Bái đã có những bước chuyển động toàn diện, đồng bộ, sâu sắc và tạo ra những tiến bộ rõ rệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Yên Bái đã xây dựng được hệ thống quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm nông lâm nghiệp, quy hoạch nông thôn mới gắn với ban hành bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới một cách căn cơ, đồng bộ, toàn diện với 39 đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và 31 đề án phát triển nông thôn.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp Yên Bái đạt từ 4 - 5%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,9% so với năm 2015, tăng 36% so với năm 2010. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt từ 75,3% xuống 67,3%; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 23% lên 31,5%; các ngành lâm nghiệp, thủy sản đều tăng. Đã dần hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao như: vlúa đặc sản 3.000ha, vùng ngô hàng hóa 15.000ha, vùng trồng dâu nuôi tằm 450ha, vùng cây ăn quả 7.000ha, vùng chè 8.000ha, vùng quế 70.000ha, vùng măng tre Bát độ trên 3.600ha, vùng sơn tra 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000ha...
Đặc biệt đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ như: quế Văn Yên, cam Văn Chấn, cam Lục Yên, bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, cá hồ Thác Bà.
Tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 36/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23% số xã. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên; truyền thống lịch sử, cách mạng được khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc, trở thành nền tảng tinh thần quan trọng, động lực quyết định cho sự ổn định và phát triển của tỉnh trong xu thế hội nhập; khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tình nghĩa xóm làng, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo; vai trò chủ thể của nhân dân và giai cấp nông dân được coi trọng; liên minh công nhân - nông dân và trí thức tiếp tục được củng cố, tăng cường; hệ thống chính trị hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được bảo đảm.
Quang cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Yên Bái vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế bất cập trước yêu cầu của giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn hiện nay. Phương thức sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được sự chuyển biến thực sự trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững; hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác chưa cao.
Ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm, nhất là trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sau thu hoạch; mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất chưa nhiều, mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất. Kết quả thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao chưa nhiều, việc gắn kết giữa sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm chưa phổ biến. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tìm kiếm kênh tiêu thụ mới chưa được đẩy mạnh. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế còn hạn chế.
Việc huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn còn thiếu, chất lượng không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở một tỉnh miền núi cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, thách thức phải giải quyết đồng bộ để có thể thực hiện bền vững 19 tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong khuôn khổ của Hội thảo, với kinh nghiệm, kiến thức khoa học và thực tiễn, cùng sự tâm huyết của các đồng chí đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng, cùng với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trao đổi và chia sẻ; trân trọng đề nghị các vị đại biểu, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với một số vấn đề trọng tâm:
Một là, đánh giá tổng quan về thực trạng nông nghiệp và nông thôn Yên Bái; làm rõ những tiềm năng, lợi thế, những hạn chế, bất cập chủ yếu và giải pháp tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, xác định đâu là giải pháp có tính đột phá, khả thi, vừa cơ bản lâu dài, vừa cấp bách trước mắt, nhằm giải quyết một cách hiệu quả, căn cơ những nhiệm vụ chủ yếu cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Yên Bái.
Hai là, những vấn đề đặt ra cho tỉnh Yên Bái nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển hiệu quả, toàn diện, bền vững phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện địa chất, khí hậu... của từng vùng, miền trong tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường sinh thái; định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển các vùng sản phẩm nông lâm nghiệp đặc trưng, đặc sản riêng có của Yên Bái gắn với chế biến và tiêu thụ khép kín, thiết thực nâng cao đời sống cho nông dân; xác định đây là nội dung trọng tâm trong cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh.
Ba là, việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cụ thể đối với tỉnh Yên Bái cần phải làm gì và làm như thế nào để có được nguồn lực, cơ chế, chính sách, những điều kiện "cần" và "đủ” khác thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; huy động và thu hút có hiệu quả các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các giải pháp phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết hợp tác sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững..., đây là những yếu tố quyết định sự thành công trong cơ cấu lại nông lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trưng bày tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển hiệu quả, toàn diện, bền vững phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện địa chất, khí hậu... của từng vùng, miền trong tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường sinh thái; định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển các vùng sản phẩm nông lâm nghiệp đặc trưng, đặc sản riêng có của Yên Bái gắn với chế biến và tiêu thụ khép kín, thiết thực nâng cao đời sống cho nông dân; xác định đây là nội dung trọng tâm trong cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh.
Thông tin về Hội thảo, Yên Bái điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Mạnh Cường