Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn "tam nông” và Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 14/01/2009 của Tỉnh ủy Yên Bái về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, huyện Yên Bình đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Huyện đã phê duyệt và công bố rộng rãi các quy hoạch thuộc tất cả các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đồng bộ và chuyển sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa quy mô tập trung gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh theo hướng nâng cao giá trị, nhiều tiến bộ kỹ thuật và biện pháp canh tác tiên tiến được áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trên đơn vị diện tích. Bên cạnh vùng lúa, ngô hàng hóa, huyện Yên Bình cũng thực hiện nhiều giải pháp chiến lược với các loại cây công nghiệp chủ lực là lạc, chè, cây ăn quả.
Đến nay, huyện đã hình thành vùng cây ăn quả với diện tích 1.480 ha, sản lượng đạt trên 8.000 tấn; vùng chè 1.718 ha với sản lượng đạt 16.000 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chăn nuôi từ nhỏ lẻ đã phát triển mạnh theo hướng trang trại, gia trại bán công nghiệp, đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 50% trong giá trị sản xuất. Khai thác thế mạnh mặt nước, nhất là đối với các xã ven vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình chỉ đạo phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến nay, huyện có 917 lồng cá, tăng 660 lồng so với năm 2008, quây lưới nuôi cá trên eo ngách hồ Thác Bà 234,8 ha. Thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mạnh của huyện, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 đạt trên 4.550 tấn, tăng 2.250 tấn so với năm 2008.
Đặc biệt, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai một cách đồng bộ, bước đầu đạt hiệu quả cao. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, với các sản phẩm chủ lực như vùng cây ăn quả có múi 950 ha, tập trung tại các xã: Đại Minh, Hán Đà, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Cảm Nhân, Tích Cốc; vùng quế 700 ha tại các xã: Đại Đồng, Tân Hương, Cảm Ân, Bảo Ái, Tân Nguyên; phát triển rừng gỗ lớn với quy mô 2.000 ha tập trung tại các xã: Xuân Long, Phú Thịnh, Văn Lãng, Đại Đồng, Tân Hương, Bảo Ái; vùng gạo đặc sản xã Bạch Hà... cùng với đó, Yên Bình đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Đại Minh”, nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà” và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà”.
Trong thành tựu chung ấy, chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự là một "cú hích” mạnh mẽ, làm đổi thay toàn diện bộ mặt nông thôn. Đến hết năm 2017, huyện Yên Bình đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 12,3 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất, tinh thần vùng nông thôn cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 18,04 %, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng cao. Các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao được chú trọng, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của nhân dân.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Yên Bình tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trong đó, tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội để nâng cao đời sống tinh thần và an ninh nông thôn. Yên Bình phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu; đến 2025 xây dựng huyện Yên Bình là huyện nông thôn mới.
Văn Thông