Yên Bái nỗ lực nâng cao độ che phủ rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2018 | 1:52:21 PM

YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 giữ ổn định 63%. Để đạt mục tiêu này, thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và trồng rừng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn giao cây giống phục vụ trồng rừng vụ thu cho người dân.
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn giao cây giống phục vụ trồng rừng vụ thu cho người dân.

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, đến hết tháng 7/2018, diện tích rừng tính độ che phủ tỉnh Yên Bái là 433.298 ha, độ che phủ đạt 62,9%. Có được kết quả trên là do thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp quan tâm thực hiện.
 
Trong phát triển rừng, các địa phương đã rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, tăng quỹ đất trồng rừng sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển rừng, nhất là kinh tế hộ gia đình; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết và thành lập các trang trại nông lâm nghiệp.
 
Cùng đó, thông qua các chương trình dự án trồng rừng như: chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ -TTg; đề án phát triển cây sơn tra; đề án phát triển tre măng Bát độ; đề án phát triển cây quế đã hỗ trợ trực tiếp đến người trồng rừng, tạo đòn bẩy thúc đẩy nghề rừng trên địa bàn phát triển.
 
Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng, nâng tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh đến nay đạt trên 462.500 ha. Cùng với đẩy mạnh phát triển vốn rừng, công tác bảo vệ rừng và PCCCR cũng được triển khai một cách đồng bộ. Những năm 2010 trở về trước, Yên Bái luôn là điểm nóng về cháy rừng. Có năm trên địa bàn xảy ra hàng chục vụ cháy, thiệt hại hàng trăm ha rừng.
 
Để hạn chế cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tăng cường cán bộ kiểm lâm địa bàn tại các huyện trọng điểm, đặc biệt là 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu, Mù Cang Chải; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về công tác PCCCR, in phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền tới mọi người dân, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR; củng cố xây dựng các tổ xung kích chữa cháy rừng; tổ chức các lớp tập huấn về PCCCR cho các tổ xung kích và các chủ rừng tham gia.
 
Đặc biệt, các địa phương làm tốt công tác quy hoạch và thống kê diện tích nương rẫy, thực hiện việc "cưỡng chế” đốt nương rẫy vào ban ngày có sự giám sát của kiểm lâm để không để cháy lan vào rừng. Nhờ đó, số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy giảm đáng kể. 

Bên cạnh làm tốt PCCCR, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức thực hiện và phối hợp với các ngành chức năng truy quét ở các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần; tính riêng năm 2017, số vụ vi phạm về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm 19,2%.
 
Cùng với đó, việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định, đặc biệt đối với diện tích rừng tự nhiên.
 
Việc đo đạc, cắm mốc ranh giới các nông lâm trường quốc doanh thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện. Cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao đến từng chủ quản lý, tạo ra một bước phát triển vững chắc trong xã hội hóa nghề rừng, huy động tối đa mọi thành phần kinh tế và mọi người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. 

Để độ che phủ rừng đạt 63% vào năm 2020, thời gian tới, các cấp, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường quản lý chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn thiên nhiên; kiên quyết dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên thuộc tất cả các đối tượng rừng; chú trọng trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.

Văn Thông

Các tin khác
Ảnh minh họa

Từ ngày 18/9, các hãng hàng không nội địa sẽ chính thức mở bán vé máy bay Tết Nguyên đán 2019.

Nhờ trồng dâu, nuôi tằm mỗi năm người dân xã Việt Thành thu về trên 15 tỷ đồng.

YBĐT - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên - Lê Thị Lụa phấn khởi cho biết: "Việt Thành giờ thay đổi nhiều rồi! Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ nét; đời sống không ngừng được nâng cao và thu nhập bình quân đầu người hiện tại đạt 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 2%".

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng cây ăn quả hơn 7.000 ha.

YBĐT - Giai đoạn 2008 - 2017, tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực "tam nông" đạt gần 49.000 tỷ đồng. Tỉnh đã ban hành 39 đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và 31 đề án phát triển nông thôn. 

Đã có 12 quốc gia báo cáo có Dịch tả lợn Châu Phi (Ảnh minh họa)

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn lối mở khu vực biên giới với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục