Trong hơn 30 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, nền kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái có những bước phát triển mạnh mẽ, đồng bộ. Sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, các ngành nghề dịch vụ tăng trưởng khá. Liên tục trong nhiều năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đạt trên hai con số.
Đặc biệt, trong thu ngân sách, năm 2017, Yên Bái đã chính thức gia nhập "câu lạc bộ” trên 2.500 tỷ đồng. Đạt được những thành tựu đó là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.
Có thể khẳng định, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái đã và đang dần khẳng định vị trí và đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của Yên Bái.
Không phải là tỉnh có quá nhiều lợi thế và tiềm năng nhưng Yên Bái đã biết khai thác nội lực, phát huy thế mạnh của mình và có những hoạch định, chiến lược phát triển kinh tế một cách bài bản, căn cơ.
Song song với đó là có những cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư. Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông thuận tiện, liên vùng đồng thời quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp đáp ứng cho phát triển. Hàng trăm dự án, tập đoàn, doanh nghiệp đã đến và đầu tư vào Yên Bái.
Trong 5 năm (2010-2015) đã có 145 dự án đầu tư vào Yên Bái, với tổng vốn đăng ký trên 13.000 tỷ đồng và trên 100 triệu USD. Trong hai năm 2016 và 2017 đã có 82 dự án đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng.
Từ một địa phương chỉ có vài chục doanh nghiệp nhỏ lẻ thì đến hết tháng 9/2018 toàn tỉnh đã có trên 1.700 doanh nghiệp.
Không chỉ lớn mạnh về số lượng mà cả về chất lượng, quy mô, năng lực sản xuất và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế địa phương. Các doanh nghiệp đã thu hút và giải quyết trên 35.000 lao động với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, toàn tỉnh thu ngân sách đạt trên 2.500 tỷ đồng thì các doanh nghiệp nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã có chiến lược kinh doanh, sản xuất hiệu quả góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 9.000 tỷ đồng.
Quan trọng hơn cả là cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực và đúng hướng, giảm tỷ trọng khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Qua đó cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, vượt qua những hạn chế của khu vực vươn lên sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Đồng hành với đó chính là sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và luôn xác định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân, là động lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng loạt chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp đã được triển khai.
Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cam kết và luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Từ những con số, việc làm cụ thể, khẳng định cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái ngày một phát triển mạnh mẽ, đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Có thể nói, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nghiệp, doanh nhân Yên Bái nói riêng qua các thời kỳ phát triển đã và đang dần khẳng định vị trí, đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước.
Song hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, Nhà nước đã có Luật Doanh nghiệp, điều chỉnh bảo hộ cho hoạt động của Doanh nhân. Đảng ta đã có Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tháng 6/2017, hai nghị quyết của Trung ương đã được ban hành: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đảng, Nhà nước ngày càng nêu cao vai trò và động lực của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Doanh nghiệp, doanh nhân đã được vinh danh và ghi nhận những đóng góp lớn vào sự phát triển vững mạnh của đất nước.
Thanh Phúc