Cụ thể là các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh; măng mai; cây dược liệu hà thủ ô, giảo cổ lam; lạc thương phẩm; rau bò khai; khoai tím; cà giòn; vịt bầu Lục Yên; trâu bò thịt và sinh sản.
Để triển khai các dự án, huyện Lục Yên thành lập Hội đồng Đánh giá các dự án; đồng thời, giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trực tiếp chủ trì, thực hiện các bước của Dự án; thông báo rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp trong và ngoài huyện có đủ hồ sơ, chứng minh năng lực đăng ký tham gia thông qua các phương tiện truyền thông như: Trang Thông tin điện tử huyện, hệ thống loa truyền thanh huyện.
Ông Đàm Văn Việt - Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh là đơn vị đăng ký tham gia Dự án Phát triển SXLK theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lạc thương phẩm cho biết: "Hiện tại, Hợp tác xã đang sản xuất và chế biến sản phẩm dầu lạc. Nếu như mọi năm, đơn vị luôn phải tìm nguồn nguyên liệu thì sau khi tham gia Dự án này, mọi khâu từ trồng, thu hoạch, ép dầu trở nên khép kín. Sản phẩm dầu lạc cũng vì thế có chất lượng và giá cả hợp lý hơn. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành hồ sơ thuyết minh gửi phòng chuyên môn”.
Theo ông Tăng Kết Dư - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên, hiện nay, huyện đã nhận được thông tin phản hồi từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến các dự án; trong đó, 100% dự án đều có sự đăng ký tham gia của các đơn vị với tổng kinh phí dự kiến 23,6 tỷ đồng. Đặc biệt, đã có 4 dự án được các đơn vị đăng ký chủ trì tiến hành khảo sát, xây dựng thuyết minh.
Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết đang là hướng đi mới giúp cho người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững và huyện Lục Yên đang nỗ lực để xây dựng các chuỗi này.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, huyện cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: một bộ phận người dân chưa nắm rõ về vấn đề sản xuất theo chuỗi; việc xây dựng thuyết minh dự án của các đơn vị đăng ký chưa bảo đảm; phần đối ứng của nhân dân trong đầu tư vùng nguyên liệu của một số dự án lớn, nên chưa mạnh dạn tham gia.
Cùng đó, việc triển khai rà soát, đăng ký các hộ tham gia trong vùng dự án để xác định quy mô đầu tư gặp khó khăn do chưa xác định được nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước; quy định về mức chi hỗ trợ cũng như các hạng mục được hỗ trợ của tỉnh đối với các dự án liên kết theo chuỗi giá trị chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương...
Trao đổi về giải pháp thời gian tới, theo ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên thì Phòng sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị chủ trì dự án hoàn thành hồ sơ thuyết minh và các bước thực hiện; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia dự án; tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân; chủ động kiểm tra, hướng dẫn thực hiện đối với các dự án được phê duyệt.
Cùng với sự nỗ lực của huyện, chính quyền các cấp, ngành chức năng cần xem xét, bổ sung các hạng mục cần thiết đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là mặt bằng. Ngoài ra, mỗi nông dân cũng cần thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức sản xuất; ngành nông nghiệp chú trọng xây dựng mô hình kiểm soát theo chuỗi tiến tới toàn bộ nông sản được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Hùng Cường