Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong những năm qua thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành giao thông vận tải đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm diện mạo giao thông thay đổi đáng kể.
Nhiều công trình được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đầu tư từ các doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC, Tổng công ty Đầu tư Phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long-CIPM) đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
"Tuy nhiên, một số tuyến đường này sau khi đưa vào khai thác, sử dụng đã bị hư hỏng ngay trong giai đoạn bảo hành. Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan của Bộ đã tiến hành ngay việc kiểm tra đôn đốc nhưng chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, doanh nghiệp quản lý các tuyến đường chưa sửa chữa khắc phục kịp thời các hư hỏng… dẫn đến không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, quan hệ giữa phí sử dụng dịch vụ đường bộ với chất lượng phục vụ chưa tương xứng… gây bức xúc dư luận," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà đầu tư theo hình thức PPP, các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, quản lý khai thác các tuyến đường bộ (bao gồm cả đường cao tốc) phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và sửa chữa kịp thời các hư hỏng (ổ gà, hằn lún vệt bánh xe, ngập nước…) trong thời hạn không quá một ngày đối với đường cao tốc và không quá 5 ngày đối với các đường khác.
Trường hợp hư hỏng xảy ra trong những ngày mưa kéo dài liên tục, chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng công tác sửa chữa, nhà đầu tư, doanh nghiệp quản lý tuyến đường (bao gồm cả VEC và CIPM) phải báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận phương án sửa chữa bằng các giải pháp tạm thời (sử dụng các vật liệu kết dính tạm thời bằng bê tông nhựa nguội, cacboncor..).
Trước, trong quá trình sửa chữa trên, các đơn vị phải đặt hệ thống báo hiệu và có phương án tổ chức giao thông tạm phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên kiểm tra, kịp thời yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện sửa chữa khi có hư hỏng nêu trên và tăng cường công tác giám sát chất lượng sửa chữa khi có hư hỏng.
"Nếu quá thời hạn mà công tác sửa chữa chưa được thực hiện hoặc nếu sửa chữa không đảm bảo yêu cầu chất lượng thì tổ chức dừng thu phí đối với các tuyến đầu tư theo hình thức PPP (theo quy định tại Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 7/6/2018 và Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 của Bộ Giao thông Vận tải); hoặc báo cáo Bộ dừng thu phí đối với trường hợp các tuyến được đầu tư theo hình thức khác,” người đứng đầu ngành giao thông khẳng định.
(Theo TTXVN)