Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên - Khổng Giang Lam cho biết: nhờ đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào thâm canh, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, hình thành các vùng chuyên canh: vùng thâm canh lúa hàng hóa chất lượng cao hơn 1.000 ha tại các xã: An Thịnh, Đại Phác, Yên Phú, Đông Cuông. Vùng trồng quế tập trung 25.000 ha tại các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Tân Hợp, Châu Quế Hạ.
Về chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi hàng hóa (CNHH) phát triển tương đối mạnh tại các xã: Mậu Đông, Đông Cuông, Đông An, An Bình, Châu Quế Hạ… Các cơ sở chăn nuôi tạo ra một lượng sản phẩm hàng hóa tương đối lớn. Hiện, toàn huyện xây dựng được 449 cơ sở CNHH, trong đó có 74 cơ sở chăn nuôi trâu bò có quy mô từ 10 đến 30 con, 242 cơ sở chăn nuôi lợn; 33 cơ sở chăn nuôi gia cầm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất NLN ở Văn Yên vẫn bộc lộ những hạn chế như: tốc độ chuyển dịch sản xuất NLN còn chậm, thiếu bền vững, vùng sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ, manh mún, sản phẩm ít, giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm NLN còn chưa cao; các sản phẩm nông sản vẫn chủ yếu là sản phẩm thô; các hình thức tổ chức sản xuất trong NLN còn chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được quy mô thực sự của nhu cầu thị trường; các hình thức liên kết trong sản xuất, cung ứng theo chuỗi giá trị chưa được thực hiện nhiều.
Kết quả huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển lĩnh vực NLN còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Việc triển khai thực hiện một số đề án phát triển sản xuất NLN còn gặp những khó khăn nhất định.
Mục tiêu của huyện đặt ra trong phát triển sản xuất NLN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng để xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, kết nối giữa sản xuất với chế biến, bảo quản để tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Khuyến khích mở rộng các cơ sở chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa; tập trung phát triển vùng quế đặc sản đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, hàng năm cung cấp cho thị trường xuất khẩu trên 5.000 tấn quế vỏ, trên 300 tấn tinh dầu quế và phát triển các loại cây nguyên liệu giấy.
Bí thư Huyện ủy Trần Huy Tuấn cho biết: để thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tập trung các giải pháp ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất NLN.
Trước hết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo đảm phát triển theo hướng hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ, tập trung ruộng đất, tăng cường mời gọi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất NLN.
Thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm mới và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và doanh nghiệp ở nông thôn phát triển; thực hiện việc liên doanh, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm theo chuỗi giá trị với các sản phẩm NLN có lợi thế; đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và ưu tiên hợp tác với các địa phương. Huyện sẽ đề xuất với tỉnh các chính sách đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất NLN nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị và phát triển NLN một cách bền vững.
Hà Anh