Quan điểm của thành phố là, tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm, dự án cấp thiết, các dự án hạ tầng kỹ thuật, theo nguyên tắc đầu tư hợp lý, không dàn trải.
Thực hiện quan điểm và nguyên tắc đầu tư, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, từ năm 2016 đến nay, tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố tăng cao qua từng năm.
Cụ thể, năm 2016, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 3.100 tỷ đồng; năm 2017 đạt 3.500 tỷ đồng; 9 tháng năm 2018 đạt 2.378 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ, bằng 64,3% kế hoạch.
Dự ước cả năm 2018 đạt 3.700 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, tăng 32% so với cuối nhiệm kỳ trước và bằng 80,4% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm của thành phố. Giá trị sản xuất xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm 2016 - 2018 là 11,6%.
Trong đó, giá trị sản xuất xây dựng tính đến hết 9 tháng đầu năm 2018, đạt 1.084 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, bằng 67,8% kế hoạch; cả năm 2018 ước đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, tăng 39% so với cuối nhiệm kỳ trước và bằng 89% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ thành phố đến năm 2020.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố thực hiện quản lý, triển khai 177 dự án với tổng mức đầu tư là 474,6 tỷ đồng; trong đó, 129 dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, 48 hạng mục từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Cụ thể, năm 2016, thực hiện 49 dự án (39 dự án từ nguồn ngân sách Nhà nước, 10 hạng mục từ nguồn vốn ODA); năm 2017 thực hiện 64 dự án (40 dự án từ nguồn ngân sách Nhà nước, 24 hạng mục từ nguồn vốn ODA).
Năm 2018, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện 74 công trình chuyển tiếp và các dự án theo kế hoạch năm. Trong đó, có 57 công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, gồm 6 công trình chuyển tiếp và 51 công trình khởi công mới trong năm 2018.
Đến nay, đã hoàn thành 35 công trình, tiếp tục triển khai 14 công trình từ nguồn vốn đầu tư phát triển và 3 công trình thuộc nguồn vốn chỉnh trang đô thị; tạm dừng 2 công trình. Triển khai 17 hạng mục chuyển tiếp sang năm 2018 các công trình thuộc Dự án Nâng cấp đô thị thành phố từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới; đã hoàn thành 12/17 công trình, tiếp tục triển khai 5 công trình.
Tổng nguồn vốn hiện đã giải ngân là 146,384/273,897 tỷ đồng, đạt 53,44% kế hoạch (giải ngân nguồn vốn ngân sách tỉnh đạt 91,8%; nguồn vốn ngân sách trung ương đạt 50,4%; nguồn chỉnh trang đô thị đạt 51,1%; nguồn ngân sách thành phố đạt 41,1%; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt 75,2%).
Nguồn lực từ các dự án trên được đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó, có trên 40 công trình thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 7 công trình thuộc lĩnh vực y tế, trên 60 công trình thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước, gần 50 công trình chỉnh trang đô thị, các công trình còn lại thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Đến hết 6 tháng đầu năm 2018, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 113/177 dự án.
Công trình đường Âu Cơ, cầu Bách Lẫm hoàn thành đưa vào sử dụng và nhiều công trình trọng điểm của tỉnh, của thành phố được đầu tư xây dựng đang dần hoàn thiện, từng bước tạo diện mạo mới cho thành phố Yên Bái.
Với chiến lược phát triển đầu tư mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ, có tính liên kết cao, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các công trình cầu và hệ thống đường dẫn công trình cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán sang hữu ngạn sông Hồng để kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; các dự án kết nối quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, nâng cấp quốc lộ 32C… đang được thành phố đẩy nhanh tiến độ, tạo tiền đề cho xây dựng cơ sở vật chất và các khu chức năng của đô thị.
Thành phố tập trung chỉ đạo phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt các công trình thuộc Dự án Nâng cấp đô thị thành phố từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, triển khai Dự án Phát triển đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường giao thông đô thị và hành lang các tuyến phố; đặc biệt thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển giao thông nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố.
Phạm Minh