Như vậy, với quyết định này, VIB chính thức trở thành ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II.
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Basel II cho thấy VIB có đủ khả năng hoạt động an toàn theo thông lệ tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới để phòng ngừa các rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động có thể xảy ra.
Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến từng bước áp dụng, nhằm tăng cường an toàn và hiệu quả hoạt động.
Ba năm trước, NHNN đã lựa chọn 10 ngân hàng thương mại đầu tiên để lên kế hoạch thí điểm thực hiện. Ngày 30/12/2016, NHNN ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, yêu cầu các ngân hàng tuân thủ, áp dụng các chuẩn mực trước ngày 1/1/2020.
Tính đến nay, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chỉ có VIB cùng với Vietcombank là ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước duy nhất trong danh sách 10 ngân hàng tham gia thí điểm thực hiện thành công, sớm hơn 1 năm so với ngày hiệu lực của Thông tư 41.
Để được NHNN chấp thuận cho ngân hàng áp dụng sớm Basel II theo Thông tư 41, ngân hàng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn nhằm đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo như quy định - ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho hay. Kết quả triển khai thành công Basel II đã giúp VIB đưa ra các chiến lược kinh doanh và hoạch định tốt chính sách khách hàng, sản phẩm, quản trị rủi ro và chính sách giá để tối ưu hóa vốn, tài sản có rủi ro.
Trước đó, tháng 7/2018, VIB trở thành ngân hàng thứ 5 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn tất việc mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), để đưa bảng cân đối tài chính thực sự về một sổ - một bước quan trọng để thực hiện Basel II.
Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng được thành lập năm 1974 nhằm đưa ra những quy chuẩn quản lý để ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng.
So với tiêu chuẩn của Basel I nhằm củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng thì Basel II hướng đến việc nâng cao chất lượng, sự ổn định và áp dụng các thông lệ nghiêm ngặt hơn về quản trị rủi ro.
Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II không chỉ giúp các ngân hàng phát triển bền vững, một xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới, mà còn giúp các ngân hàng phòng tránh những cú sốc trước những biến động lớn khó lường của thị trường tài chính, gây dựng niềm tin tới khách hàng.
(Theo Dân Trí)