NTM đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng đến một nền sản xuất hàng hóa để làm giàu. NTM tạo ra những phong trào thi đua lao động, xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, phong quang tạo nền tảng vững chắc cho xã phát triển bền vững.
Văn Tiến là xã vùng ven của thành phố, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp là chính. Đất đai vốn đã hạn hẹp và ruộng nương cũng chẳng "bờ xôi ruộng mật”.
Đặc biệt, những năm gần đây Nhà nước mở rộng khu công nghiệp, diện tích đất sản xuất lại càng thu hẹp. Việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang thương mại - dịch vụ là điều rất khó khăn. Những vấn đề đó buộc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phải đi tìm cho lời giải XDNTM.
Từ thực tế đó, Văn Tiến xác định cho mình những bước đi mang tính đột phá, đó là, lấy sản xuất nông - lâm nghiệp làm trọng tâm, phát triển thương mại, dịch vụ làm trọng yếu gắn với XDNTM. Trong sản xuất cây lúa, tích cực đầu tư thâm canh tăng năng suất, đưa các giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất hàng hóa. Nhờ vậy, 68 ha lúa năng suất chỉ đạt 90 tạ/ha nay tăng lên trên 100 tạ/ha.
Đối với diện tích trên 35 ha cây màu, nhân dân đưa vào thâm canh các loại rau, đậu đỗ... đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường thành phố. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, xây dựng 57 mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả có múi. Thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp và trồng cây ăn quả với trên 20 thành viên tham gia.
Các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả rất cao, nay đang trở thành những hạt nhân trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Từ những hộ nông thôn nghèo khó, nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả nay đã trở nên khá giả, giầu có với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình ông Hà Viết Phúc ở thôn Nhà Giát phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp có thu nhập 300 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Văn Đài ở thôn Văn Quỳ nuôi cá, gà, trồng cây ăn quả cho thu 350 triệu đồng/năm; ông Phạm Thế Cầu từ trồng cây ăn quả, trồng rừng mỗi năm cho thu cả tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy xã dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng cây ăn quả của chị Phạm Thị Hương Quế ở thôn Bình Sơn.
Chị Quế vui vẻ bày tỏ: "Vốn làm nông nghiệp, nhưng làm mấy sào lúa đầu tắt mặt tối mà cuộc sống gia đình tôi chả khấm khá lên được. Khi xã bước vào XDNTM, lãnh đạo xã, thôn vận động người dân tập trung phát triển kinh tế hộ. Hưởng ứng thôi chứ chẳng nghĩ mình làm được, thế là tất cả diện tích đất quanh nhà đem trồng chanh, làm được bao nhiêu đầu tư vào trồng chanh bấy nhiêu. Hơn hai sào ruộng nước kém hiệu quả, gia đình cũng chuyển đổi sang trồng chanh. Đến nay, gia đình tôi có trên 500 gốc chanh tứ thời. Lúc chính vụ như hiện nay giá chanh từ 7.000 - 8.000 đồng/kg bán tại nhà, trái vụ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Năm ngoái, gia đình tôi hái bán 30 tấn chanh, sau trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Năm nay, giá chanh ổn định hơn, cây phát triển hơn, chắc chắn thu không dưới 400 triệu tiền lãi”.
Rõ ràng, các mô hình phát triển kinh tế gia đình theo hướng hàng hóa đã và đang là những nhân tố quan trọng trong XDNTM ở Văn Tiến. Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, đối với các hộ sống ven theo đường tỉnh lộ, trung tâm xã và khu công nghiệp tập trung phát triển mạnh dịch vụ thương mại.
Từ một xã nghèo, nay bình quân thu nhập đầu người đạt cao nhất nhì thành phố trong khối xã với mức gần 35 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm còn dưới 8%. Tuy chưa được công nhận xã đạt chuẩn NTM nhưng so với các tiêu chí thì xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM. Trong XDNTM, nhân dân đã đóng góp trên 47 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng nguồn vốn đầu tư - một con số không phải địa phương nào cũng làm được.
Thanh Phúc