Sáng 18/12 theo giờ Việt Nam, tại cuộc bầu cử thuộc khóa họp 73 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Việt Nam đã trúng cử thành viên Uỷ ban Luật thương mại quốc tế nhiệm kỳ 2019-2025 với số phiếu cao.
Đây là một sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, cũng như những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề cải tổ và phát triển của Liên Hợp Quốc.
Để có được thành công này là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản dựa trên những kinh nghiệm mà trước đây chúng ta đã có được khi tham gia vào nhiều diễn đàn của Liên Hợp Quốc.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên báo chí về những khó khăn trong công tác vận động cũng như những lợi ích khi chúng ta là thành viên của cơ chế quan trọng này.
PV: Thưa Thứ trưởng, Việt Nam vừa trúng cử vị trí Uỷ ban Luật thương mại quốc tế, một cơ chế quan trọng của Liên Hợp Quốc. Xin ông cho biết quá trình chuẩn bị cho việc ứng cử này được thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chúng ta ứng cử vào vị trí của Uỷ ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc, chúng ta đã xây dựng nội dung, nghiên cứu kỹ chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban Luật thương mại quốc tế.
Cũng nhìn vào thực tế chính những kinh nghiệm của chúng ta trong quá trình thực hiện và tiến hành các hoạt động thương mại quốc tế, kinh nghiệm giải quyết những vấn đề đó như thế nào, rồi vấn đề chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, trong đó có luật về thương mại và đầu tư như thế nào để trên cơ sở đó, chúng ta có một sự điều phối chung. Bộ Ngoại giao là nơi điều phối chung với sự đóng góp của các bộ ngành để trao đổi vận động trước hết ở 3 trung tâm lớn là trụ sở LHQ ở New York, LHQ và các tổ chức quốc tế ở Viena, Áo và ở Geneva.
PV: Trong quá trình vận động, những khó khăn lớn nhất mà chúng ta gặp phải là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Khó khăn đặt ra trước hết đây là một Ủy ban giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng các văn kiện pháp lý đa phương có liên quan đến thương mại quốc tế. Mà vấn đề thương mại là vấn đề quan trọng hàng đầu ở mỗi quốc gia. Cho nên đây là vị trí được các nước đặc biệt quan tâm.
Thứ 2 là đây là lần đầu Việt Nam ứng cử rơi vào đúng năm ở nhóm Châu Á - Thái Bình Dương lại có số ứng cử viên nhiều hơn số ghế có được. Như vậy mình phải có sự cạnh tranh lớn.
Thứ 3 là chúng ta phải giải quyết cả về mặt kỹ thuật và nội dung: Đó là làm sao để các quốc gia thành viên thấy được chúng ta có thể đóng góp như thế nào vào công việc của cơ quan này.
PV: Thưa Thứ trưởng, đâu là lợi ích lớn nhất mà chúng ta có được khi trở thành thành viên của Uỷ ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Đây là cơ chế quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng các văn kiện pháp lý, thảo luận những vấn đề pháp lý đặt ra trong thương mại quốc tế. Việc chúng ta tham gia là cơ hội rất quan trọng. Chúng ta trực tiếp tham gia vừa đóng góp vào lợi ích chung, vừa đảm bảo lợi ích của mình trong lĩnh vực gắn bó trong cả quá trình phát triển và đổi mới của chúng ta.
Ví dụ như vấn đề cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nhà đầu tư cũng như với chính phủ, là một vấn đề sát sườn với chúng ta. Hiện nay, trong các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương cũng như trong các hiệp định thương mại và nhiều văn kiện khác liên quan đến bảo hộ các nhà đầu tư. Đồng thời cũng đặt ra vấn đề là quá trình giải quyết tranh chấp có thể kéo dài, tốn kém, rồi có khách quan hay không, có bảo vệ được lợi ích của cả hai bên hay không, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển trong tình trạng đội ngũ luật sư, tri thức về luật còn hạn chế, nguồn tài chính hạn chế … thì làm sao giảm thiểu tranh chấp. Và khi xảy ra tranh chấp và đưa ra các cơ chế pháp lý quốc tế như trọng tài thương mại hoặc các cơ chế khác thì làm sao phải đảm bảo lợi ích chính đáng công bằng cho cả hai bên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
(Theo VOV)