Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.080 tỷ đồng, tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.538 tỷ đồng, tăng 6,65% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 258 tỷ đồng tăng 9%. Giá trị sản xuất mỗi héc - ta đất trồng trọt đạt 59 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2017.
Giá trị sản xuất thu được trên 1 ha mặt nước nuôi thủy sản đạt 129 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng so với năm 2017. Sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt 307.405 tấn, tăng 0,43% (tăng 1.309 tấn) so với thực hiện năm 2017, vượt 2,47% kế hoạch năm 2018.
Tổng đàn gia súc chính đạt 695.000 con, đạt 100% kế hoạch giao (đàn trâu là 107.022 con; đàn bò là 27.892 con; đàn lợn là 560.086 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 45.000 tấn, đạt 100% kế hoạch giao.
Bằng sự nỗ lực cao của các cấp chính quyền, người dân, toàn tỉnh đã có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 46 xã. Có được kết quả đó là sự nỗ lực của bà con các dân tộc trong tỉnh và từ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Cùng đó, phải nói đến sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đối với ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng bám sát các quy định, chính sách và thực tế sản xuất của người dân, nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức vào lĩnh vực nông nghiệp để kịp thời tham mưu giúp tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển nông thôn phù hợp với thực tiễn sản xuất; qua đó, đã thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu và mục tiêu nhiệm vụ năm 2018.
Phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi tích cực và đã chuyển dần sang sản xuất tập trung phục vụ nhu cầu của thị trường. Từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn. Phong trào xây dựng NTM được thúc đẩy và lan tỏa toàn tỉnh, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: công tác xây dựng và quản lý quy hoạch ngành, quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, quy hoạch dân cư nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu.
Kinh tế tự cung, tự cấp ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn phổ biến; hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác chưa cao. Ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ còn chậm, nhất là trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp hữu cơ.
Mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất chưa nhiều, mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất. Kết quả thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế.
Sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao chưa nhiều, việc sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) chưa phổ biến, nhiều nơi chưa gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tìm kiếm kênh tiêu thụ mới chưa được đẩy mạnh; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn hạn chế.
Nhìn rõ lợi thế, khắc phục những tồn tại cùng với những thành quả đạt được là nền tảng quan trọng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Yên Bái tiếp tục giành thắng lợi trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Ngọc Trúc