Tới thăm mô hình nuôi cá ao của gia đình anh Trần Ngọc Phương ở thôn Gò Cống có quy mô lớn nhất xã Vân Hội. Anh Phương cho biết, gia đình anh đã đầu tư hàng tỷ đồng để chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa kém hiệu quả sang đào ao và xây kè bờ ao kiên cố.
Với diện tích 2,4ha mặt nước, anh Phương chia thành 5 ao nhỏ với diện tích phù hợp để bảo đảm môi trường tốt nhất cho cá sinh trưởng và phát triển. Những loại cá gia đình anh Phương lựa chọn cũng là những loại mà thị trường ưa chuộng như: trắm, rô phi đơn tính, chép lai...
Trong các ao, anh Phương nuôi ghép các loại cá với nhau để hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh, đồng thời lắp hệ thống máy sục khí cung cấp ô xi cho cá và máy cho cá ăn tự động. Nguồn nước nuôi cá được anh lắp hệ thống ống dẫn lấy từ các khe suối đảm bảo vệ sinh và thỉnh thoảng thay nước trong các ao.
Anh Phương chia sẻ: "Nuôi cá không khó, song phải có kiến thức và kinh nghiệm. Trước khi quyết định đầu tư vào nuôi cá, tôi đã tìm hiểu sâu về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng bệnh cho cá và trực tiếp đi tham quan, học hỏi những mô hình nuôi cá hiệu quả”.
Bằng hình thức nuôi công nghiệp kết hợp cho ăn thêm các loại cỏ, trung bình mỗi năm, gia đình anh Phương xuất bán vài chục tấn cá các loại, thu về vài trăm triệu đồng.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tương tự hộ anh Trần Ngọc Phương, hộ anh Bùi Anh Quang ở thôn Đồng Chão cũng đầu tư nuôi cá với quy mô lớn, trong đó, tập trung chính vào nuôi cá trắm cho năng suất, sản lượng cao, thịt chắc, thơm ngon. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Quang xuất bán được 2 lứa cá, mỗi lứa khoảng hơn 20 tấn cá, mang về nguồn thu gần 400 triệu đồng.
Anh Quang bày tỏ: "Phong trào nuôi cá ở Vân Hội đã có từ lâu và ngày càng phát triển. Tôi hy vọng, nghề nuôi cá sẽ phát triển bền vững, có thị trường tiêu thụ ổn định để gia đình tôi và các hộ nuôi cá khác có thêm quyết tâm, động lực gắn bó với nghề”.
Với hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, trung bình mỗi năm, người dân Vân Hội nuôi và xuất ra thị trường khoảng 250 tấn cá, thu về hơn 12 tỷ đồng. Nhờ nuôi cá mà nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả, có điều kiện chăm lo cho con học hành, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trong xã lên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,8%.
Kết quả này là nhờ có sự quan tâm của các cấp, các ngành và Đảng bộ, chính quyền xã luôn tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi thủy sản; hỗ trợ nhân dân về vốn.
Hiện tại, xã Vân Hội đã quy hoạch được vùng chăn nuôi thủy sản tại thôn Gò Cống và thôn Khe Mon. Việc quy hoạch được vùng sản xuất, giúp cho địa phương này tận dụng tối đa những ưu đãi của thiên nhiên, không gây lãng phí diện tích mặt nước và chuyển mục đích sử dụng tùy tiện; phá vỡ môi trường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến những tổn thất hoặc kìm hãm sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản, thời gian tới, xã Vân Hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi thủy sản; nhân rộng và phổ biến các mô hình thâm canh nuôi cá, mô hình cá lồng…; tạo mọi điều kiện giúp các hộ nuôi cá tìm được nguồn cá giống chất lượng, có địa chỉ tin cậy; thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp người nông dân tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương để phát triển kinh tế gia đình.
Hồng Oanh