Khó có thể tin được, ở một tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp... nhưng sau hơn 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những bước đột phá mạnh mẽ. Nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ của nền kinh tế mà còn là nền tảng quan trọng để Yên Bái ngày một phát triển, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc.
Năm 2018, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 6.011 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.080 tỷ đồng, tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 1.538 tỷ đồng, tăng 6,65% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất thủy sản đạt hơn 258 tỷ đồng, tăng 9%; giá trị sản xuất mỗi héc-ta đất trồng trọt đạt 59 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2017; giá trị sản xuất thu được trên 01ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 129 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng so với năm 2017.
Qua đó có thể khẳng định, phong trào XDNTM ngày càng có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Người dân, cộng đồng đã nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào XDNTM ở địa phương, quê hương mình. Năm 2018, với sự nỗ lực cao của các cấp chính quyền và người dân, toàn tỉnh đã có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 46 xã.
Cái được lớn nhất là các địa phương đã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn đều lấy phát triển sản xuất xóa đói, giảm nghèo đi lên làm ăn lớn là nhiệm vụ trọng tâm. Tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn cũng đổi thay rõ nét hơn. Bà con đã biết tính toán sản xuất theo nhu cầu của thị trường làm hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm nghiệp năm 2018 đạt 49,22 triệu USD (tương đương trên 1.146 tỷ đồng), tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, chè đạt 2,60 triệu USD; quế đạt 37,65 triệu USD; rau quả đạt 2,97 triệu USD; các mặt hàng nông sản khác đạt 3,59 triệu USD; sản phẩm bằng gỗ đạt 2,41 triệu USD.
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn khởi cho biết: "Trong 5 năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM (2011-2015) toàn tỉnh mới có 06 xã được công nhận đạt chuẩn, thì chỉ trong ba năm 2016 - 2018 đã có 40 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, riêng huyện Trấn Yên có 15/21 xã đạt chuẩn NTM, huyện phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2020. Đáng mừng hơn, đến nay trên địa bàn tỉnh không còn xã nào dưới 5 tiêu chí, đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của Yên Bái”.
Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tỉnh đã lựa chọn 62 danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và xác định những cây trồng, vật nuôi phù hợp, có hiệu quả trong sản xuất.
Đến nay, Yên Bái đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn như: vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung 2.500ha (tại cánh đồng Mường Lò 1.400ha; cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông, huyện Văn Yên 600ha; cánh đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên 500ha); vùng sản xuất hoa, rau an toàn; vùng cây ăn quả an toàn sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trên 7.000ha; vùng măng tre Bát độ, vùng dâu tằm huyện Trấn Yên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, trong đó thu nhập trên mỗi héc-ta trồng dâu, nuôi tằm đạt 220 - 250 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng/ha.
Thực sự, chương trình XDNTM đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, công việc trước mắt và lâu dài đang đòi hỏi các địa phương chưa đạt chuẩn phải rà soát hiện trạng XDNTM để có hướng đầu tư trọng điểm. Xã đã đạt chuẩn không chỉ giữ vững mà còn nâng cao các tiêu chí từ y tế, giáo dục, văn hóa, thu nhập và môi trường. Đặc biệt là công tác sản xuất, củng cố, đổi mới hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống nhân dân.
Thanh Phúc