Huyện Trạm Tấu có trên 45.794 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên 36.019 ha, rừng trồng 9.775 ha. Nhiều năm về trước, Trạm Tấu luôn là tâm điểm của cháy rừng. Có năm, trên địa bàn xảy ra hàng chục vụ cháy và thiêu rụi hàng chục ha rừng, gây thiệt hại về kinh tế, hủy hoại môi trường sinh thái.
Theo ngành chức năng, ngoài yếu tố bất lợi về thời tiết thì nguyên nhân cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu là do người dân phát nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả để lửa cháy lan vào rừng. Mấy năm gần đây, rừng được bảo vệ tốt hơn nên cháy rừng đã giảm.
Cụ thể như mùa khô hanh năm 2015 - 2016 xảy ra 4 vụ cháy rừng làm thiệt hại hàng chục héc - ta rừng thì mùa khô 2016 - 2017 không xảy ra vụ cháy rừng nào, còn niên vụ 2017 - 2018 chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng tại thôn Nhì Trên, xã Làng Nhì, diện tích thiệt hại không đáng kể.
Kết quả đó là do có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu cháy rừng.
Ngay trước mùa khô, lực lượng kiểm lâm huyện Trạm Tấu đã xây dựng các phương án PCCCR đến các xã; tham mưu giúp huyện kiện toàn và thành lập 13 ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 cấp xã, thị trấn và ban quản lý rừng phòng hộ với 285 thành viên.
Tại 12 xã, thị trấn đã thành lập 12 tổ cơ động với 256 người tham gia; các thôn, bản đã thành lập và củng cố 64 tổ, đội tham gia quản lý bảo vệ rừng và PCCCR với 727 người.
Để ngăn ngừa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã tiến hành tu sửa các bảng quy ước, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; tổ chức hướng dẫn người dân ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trạm Tấu - Vũ Trọng Huân thì một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế cháy rừng là làm tốt công tác thống kê nương rẫy, bãi chăn thả có nguy cơ cháy cao.
Ngay trước mùa khô, đơn vị chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn rà soát thống kê nương rẫy gần rừng của các hộ đang sản xuất có nguy cơ cháy lan vào rừng. Trước khi đốt nương rẫy, các hộ phải báo với trưởng thôn, bản, già làng, kiểm lâm địa bàn, tổ đội PCCCR của thôn về giờ đốt, ngày đốt để được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình đốt và hỗ trợ dập tắt lửa khi có cháy lan vào rừng.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR; tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều cán bộ kiểm lâm thì cháy rừng thường theo quy luật năm và cứ 2 - 3 năm sẽ dễ bị cháy lớn bởi thảm thực vật tích tụ nhiều năm.
Cùng với đó, thời tiết rét đậm, rét hại sương muối làm chết thảm thực bì tạo nên nguồn vật liệu cháy rất lớn, nhất là rừng ở các xã: Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán, Tà Si Láng, Làng Nhì.
Vì vậy, để chủ động trong PCCCR, các xã trên địa bàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về PCCCR và bảo vệ và phát triển rừng; rà soát, bổ sung, chỉnh lý phương án bảo vệ rừng, PCCCR cho từng trạng thái rừng cụ thể, nhất là khu vực rừng có nguy cơ cháy cao theo phương châm "4 tại chỗ”.
Tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt rẫy và những hành vi dùng lửa khác, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch; thường xuyên kiểm tra công tác PCCCR tại các xã; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR; củng cố các tổ đội xung kích chữa cháy rừng để khi xảy ra cháy rừng không bị động, bất ngờ và dập tắt đám cháy hiệu quả.
Văn Thông