Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương tuy chưa lớn, nhưng đã phát huy hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh đến nay mới chỉ có 17,5 tỷ đồng, trong đó, vốn thực hiện dự án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ nghèo, giai đoạn 2010 - 2011 (theo Quyết định 348 ngày 22/3/2010) là 4,5 tỷ đồng, mỗi năm ủy thác thêm từ 2 đến 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, mặc dù điều kiện thu ngân sách còn khó khăn, nhưng UBND các huyện, thị xã, thành phố đều tạm ứng từ ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách từ 100 - 500 triệu đồng/huyện thị.
Với nguồn vốn trên, mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng 0,63% tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình TDCSXH trên địa bàn tỉnh, nhưng những năm qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã tập trung đầu tư vào những chương trình, những đối tượng chính sách mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Xuất phát từ thực tiễn nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động rất lớn nhưng giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, Yên Bái không được phân bổ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm.
Để góp phần thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm hàng năm của tỉnh, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã tham mưu với UBND tỉnh quyết định chuyển số tiền 8 tỷ đồng sang cho vay Chương trình Giải quyết việc làm và đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Dù số vốn không lớn nhưng với quan điểm chính sách TDCSXH là một chủ trương lớn, cần được chắt chiu, cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể lựa chọn và đã giải ngân cho vay được 213 hộ, tạo việc làm cho 213 lao động.
Để nguồn vốn cho vay không chỉ tạo việc làm mà còn có tác dụng xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình sử dụng vốn tín dụng có hiệu quả, tạo động lực, kích thích bà con mạnh dạn trong làm ăn phát triển kinh tế, NHCSXH đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đầu tư vào những ngành nghề thế mạnh của địa phương, những mô hình kinh doanh mới như: kinh doanh du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải và Nghĩa Lộ (800 triệu đồng); kinh doanh chế tác đá thủ công mỹ nghệ ở Lục Yên (350 triệu đồng); phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên (250 triệu đồng); trồng cây ăn quả đặc sản ở Văn Chấn (650 triệu đồng); trồng rừng, chăn nuôi và các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp khác (5.950 triệu đồng)...
Ngoài cho vay, NHCSXH còn tuyên truyền cho hộ vay hiểu rõ đây là nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Mặc dù điều kiện thu ngân sách còn khó khăn nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND vẫn quan tâm trích một phần ngân sách để hỗ trợ bà con đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Từ những kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương cho thấy, đồng vốn đã được quản lý, cho vay và phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế nên việc cấp vốn cho vay các chương trình TDCSXH qua NHCSXH mới chỉ tập trung đáp ứng được nhu cầu vay của đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Còn nhu cầu vốn tạo việc làm cho người lao động, vốn sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn, đặc biệt là ở những xã xây dựng nông thôn mới thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang mỗi năm mới cho vay bổ sung được hơn 100 hộ.
Trong khi còn rất nhiều người trong độ tuổi lao động có nhu cầu vay vốn tạo việc làm nhưng chưa được vay (kế hoạch tạo việc làm cho người lao động trong tỉnh mỗi năm trên 18.000 lao động; nguồn vốn từ Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm mới cho vay được bình quân từ 700 - 800 lao động/năm, đáp ứng khoảng 4%; nhiều hộ dân ở khu vực nông thôn thiếu vốn sản xuất nhưng chưa được tiếp cận với nguồn vốn TDCSXH... Trước tình hình trên, tỉnh cần tiếp tục bố trí ngân sách tạo nguồn vốn ủy thác cho các đối tượng chính sách vay vốn góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tấn Đạt